Từ bao đời nay, áo dài luôn được coi là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt. Áo dài còn được các văn nghệ sĩ Bình Dương nâng niu trong từng tác phẩm của mình.
Phụ nữ xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”
Luôn được sáng tạo
Theo các chuyên gia, áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Áo dài được coi là trang phục truyền thống của Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa. Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch thì áo dài nam lại mang nét trang trọng, nghiêm cẩn.
Bên cạnh các giá trị truyền thống, cốt lõi, áo dài phụ nữ luôn được sáng tạo, không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện, bổ sung những giá trị mới phù hợp với xã hội. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Điệp, giảng viên khoa công nghiệp văn hóa trường Đại học Thủ Dầu Một, áo dài ngày nay rất đa dạng về kiểu dáng, chất liệu, đáp ứng nhu cầu của mọi giới, mọi lứa tuổi trong các dịp lễ, tết, sự kiện và sinh hoạt hàng ngày. Về kiểu dáng, bên cạnh các kiểu truyền thống thì các sinh viên ngành thiết kế đồ họa của trường còn thể hiện sự sáng tạo của mình qua cách biến tấu 2 tà áo, tay áo. Nhiều bạn còn sử dụng các mẫu thêu tay, thêu ruy băng, vẽ tay… rất đẹp. Hiện nay, nhiều người còn sử dụng vải in 3D với nhiều hình dáng rất độc đáo và đẹp mắt để may áo dài. Qua đó còn góp phần quảng bá vẻ đẹp về đất và người khắp các vùng miền cả nước.
“Tuy rất đa dạng về kiểu dáng và chất liệu nhưng để may nên một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi các bạn sinh viên phải có kỹ thuật may khá, đam mê trang phục truyền thống, tỉ mỉ. Bởi may áo dài có nhiều công đoạn làm thủ công bằng tay, đòi hỏi phải chăm chút nhiều hơn”, cô Ngọc Điệp nói thêm.
Tự hào và tôn vinh
Không chỉ hiện hữu trong đời sống, từ xưa đến nay, vẻ đẹp của áo dài luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng. Hình tượng áo dài đã xuất hiện rất nhiều trong thi ca, phim ảnh, hội họa… Vì thế, nhiều sản phẩm gốm sứ, sơn mài của Bình Dương cũng lấy hình ảnh áo dài làm chất liệu sáng tác và được du khách gần xa chọn làm quà tặng mỗi khi đến đây.
Cảm tác chiếc áo dài thành những vần thơ, nhiều tác giả, nhà thơ đã cùng các nhạc sĩ tấu nên những giai điệu đầy tự hào, hạnh phúc về trang phục truyền thống của Việt Nam. Xúc cảm hình ảnh áo dài xinh xắn, thướt tha, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận đã phổ nhạc bài thơ “Áo dài ơi…” của Sen Nguyễn. Với điệu nhạc tango, ca khúc du dương ngợi ca vẻ đẹp độc đáo của áo dài: “Áo xinh xắn tròn ôm dáng ngọc/ Tà thướt tha tạo vóc diễm kiều/ Sắc tươi thắm dáng xuân rực rỡ/ Thân hình thanh thoát trông đáng yêu…”.
Vẻ đẹp của người phụ nữ vừa hiền dịu vừa tinh khôi thướt tha với chiếc áo dài mang đậm bản sắc của dân tộc, nét đẹp được tôn vinh trên những trang phục áo dài trong các hội thi duyên dáng phụ nữ, hội diễn văn nghệ, chương trình biểu diễn nghệ thuật… Chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm khi tham gia trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử tại thành phố Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan vào tháng 12-2013, nghệ nhân ưu tú Cao Thị Thắng cho biết: “Lúc đó, tôi được yêu cầu ca bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Mặc trên người chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam, tôi thấy thật tự hào, tự tin cất cao giọng và thể hiện rất thành công”.
Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, khắp các trang mạng cá nhân và đơn vị, doanh nghiệp ở Bình Dương đều ngập tràn những hình ảnh chia sẻ cùng nhau mặc áo dài. Gương mặt phấn khởi, tự tin diện những bộ áo dài đẹp xinh, trông các chị như càng tươi trẻ, duyên dáng. Hy vọng rằng, bên cạnh việc hiểu rõ giá trị và biết trân trọng, nâng niu, tự hào về tà áo dài thì chúng ta cần có nhiều hơn nữa các hành động cụ thể để di sản áo dài được tôn vinh đúng nghĩa.
THỤC VĂN