Không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Phạt nặng, xử lý nghiêm

Cập nhật: 21-04-2020 | 09:20:34

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Bên cạnh đó, một số đối tượng không chấp hành đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và có hành vi chống người thi hành công vụ cũng cần xử lý nghiêm.


Một người dùng mạng xã hội đăng tin thất thiệt bị Công an huyện Dầu Tiếng mời lên làm việc. Ảnh: HỒNG NGA

Thời gian gần đây, công an Bình Dương đã xử phạt nhiều trường hợp tung tin thất thiệt về dịch bệnh Covid 19 trên mạng. Ngoài việc xử lý các thông tin không chính xác về dịch bệnh, các cơ quan chức năng cũng tích cực đẩy mạnh ngăn chặn các hành vi “ăn theo”.

Án điểm về chống người thi hành công vụ

Ngày 10-4, Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án chống người thi hành công vụ đối với bị cáo Đào Xuân Anh (30 tuổi, trú tại thôn Phương Nam, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên).

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tiên Yên, khoảng 16 giờ ngày 4-4, Nguyễn Văn Năm (28 tuổi, trú tại thôn Khe Cạn, xã Đông Hải) điều khiển xe máy, không đội nón bảo hiểm và khẩu trang chở theo bị cáo Đào Xuân Anh lưu thông trên đường xã Đông Ngũ (huyện Tiên Yên). Thời điểm này tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 7 ở thôn Đông Ngũ Kinh đang làm nhiệm vụ kiểm soát đã yêu cầu hai đối tượng đo thân nhiệt, khai báo y tế và nhắc nhở Năm, Doanh quay lại đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch theo quy định. Đào Xuân Anh không chấp hành quy định và có lời lẽ lăng mạ, chửi bới, dùng mũ cối hành hung các thành viên tổ công tác. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Tiên Yên đã tuyên phạt bị cáo Đào Xuân Anh 9 tháng tù giam. Đây là vụ án đầu tiên của cả nước diễn ra trong thời gian cách ly xã hội, được xét xử lưu động và truyền hình trực tuyến đến 13 điểm cầu tại các xã, thị trấn của huyện Tiên Yên để tuyên truyền pháp luật tới người dân.

Theo đó, sáng 8-4, Đội an ninh Công an huyện Dầu Tiếng đã xử lý 2 đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên trang Facebook cá nhân của mình. Một người bị Công an huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 6.250.000 đồng; áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.

Đối tượng còn lại thì sử dụng Facebook cá nhân đăng nội dung xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức. Trước đó, T. đã bị nhắc nhở khi đang tập trung ăn nhậu trong thời gian tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sau đó T. lên mạng xã hội đăng thông tin xúc phạm lực lượng chức năng. Với hành vi trên, T. bị Công an huyện Dầu Tiếng xử phạt vi phạm hành chính số tiền 12.500.000 đồng.

Thượng tá Nguyễn Văn Thuận, Phó trưởng Công an huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đối với các trường hợp đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh địa phương và gây hoang mang dư luận trên địa bàn, chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng cương quyết tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Đến nay, Đội an ninh Công an huyện đã phát hiện, tiến hành mời gọi làm việc 11 trường hợp đăng tải, chia sẻ nội dung không đúng với tình hình dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có 3 trường hợp tại xã Thanh An đăng tải, chia sẻ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại công ty, doanh nghiệp không đúng sự thật; 3 trường hợp đăng tải, bình luận không đúng sự thật về người từ vùng dịch về trở về địa phương nhưng không cách ly. Theo đó, Công an huyện Dầu Tiếng đã xử phạt hành chính với số tiền gần 40 triệu đồng, tịch thu điện thoại di động theo quy định pháp luật”.

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nạn tin giả, tin sai sự thật, tại các cuộc họp vừa qua về triển khai phòng, chống dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của huyện Dầu Tiếng nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử lý các thông tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15-4-2020, sẽ là chế tài mạnh để xứ lý những hành vi này.

Theo một số chuyên gia pháp luật, hành vi tung tin thất thiệt không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, các chuyên gia luật cho rằng, cần xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19, không chỉ xử lý hành chính mà cần xử lý hình sự để tăng tính răn đe.

Luật sư Lê Trần Vân Anh, Trưởng Chi nhánh Văn phòng Luật sư Quang Tâm: Tung tin đồn sai sự thật có thể bị phạt tù đến 7 năm

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội khiến thông tin lan truyền rất nhanh chóng. Một số người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận, gây thiệt hại cho xã hội. Việc làm này là bất hợp pháp, tùy theo tính chất nghiêm trọng và mức độ thiệt hại của tin đồn gây ra mà người đưa tin sai sự thật sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm hành vi sử dụng không gian mạng để “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.

Khoản a Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện (thay thế Nghị định 174/2013/ NĐ-CP) có hiệu lực từ 15-4-2020, người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Trường hợp hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều 288 Bộ luật Hình sự quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mức phạt tối đa đến 7 năm tù, phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30- 3-2020 hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, hành vi trên được hướng dẫn định danh tại điểm 1.4 mục 1; điểm 3.1 mục 3 hướng dẫn xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn không quá 1/2 thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vì thông tin trên mạng xã hội lan truyền nhanh và dễ tác động đến cộng đồng, người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, có chọn lọc và kiểm chứng các thông tin, bảo đảm cho mình độ chính xác và tin cậy của nguồn tin khi dung nạp và sử dụng đăng tin, chia sẻ nguồn tin ấy, tránh thiệt hại cho chính mình, cộng đồng và không vi phạm pháp luật.

TÂM TRANG - HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=817
Quay lên trên