Cúp điện. Nó
nghe yên ắng lạ lùng. Lâu lắm rồi nó không ngồi yên trong bóng tối. Tai nó cũng
chưa bao giờ thoát ra khỏi mớ âm thanh. Không ồn ào khói bụi với tiếng đủ loại
xe trên đường thì cũng xập xình nhạc khiêu vũ. Không du dương với nhạc trong
quán cà phê thì cũng nằm kềnh trên giường nghe nhạc từ dàn máy cực xịn. Như một
thói quen, nó đưa tay với cái tai nghe định gắn vô nghe nhạc thì nó nghe tiếng ba
mẹ cãi nhau ngoài phòng khách. Hình như lần này cũng là chuyện liên quan đến
nó...
- Mắc mớ gì
em phải thay một loạt năm cái gối cho con? - Giọng ba nó vang vang.- Sao lại là mắc cái gì? Đến lúc em thay gối, con nó kê năm cái thì em mua
năm cái - Tiếng mẹ nó cãi lại.- Dị hợm. Đúng là dị hợm. Em dị hợm. Con dị hợm. Hai mẹ con em quá khác
người. Thế giới này còn khối người không có cơm ăn, không có nước uống. Đằng
này thằng con của em ngủ trên giường với năm cái gối. Nó ngạc nhiên khi chuyện gối kê của mình lại là đề tài cãi nhau của ba mẹ.
Lâu nay ba mẹ cãi nhau quá nhiều với quá nhiều lý do. Mẹ chỉn chu. Ba xuề xòa.
Mẹ thích đạo mạo, sang cả. Ba bình dân. Mẹ thích được người ta trọng vọng, xum
xoe. Ba thường nói mình không là cái đinh gì cả. Nó lạc giữa hai thái cực đó và
thấy mình khi bên này khi bên kia, không định hình. Đôi khi nó muốn hét lên vì
thấy mình mờ mờ nhạt nhạt không ra ngô cũng chẳng ra khoai.Nó thích kê một lúc năm cái gối thật. Một cái - tất nhiên là kê đầu. Một
cái gác hai chân. Một cái dưới tay phải. Một cái dưới tay trái. Một cái đè trên
bụng hoặc ôm khi nghiêng bên phải, bên trái. Không biết sao từ nhỏ nó đã có
thói quen này. Có lẽ do nó thấy quá chông chênh. Có lẽ do nó cô đơn vô cùng khi
ba đi công tác biền biệt, mẹ lao vào làm ăn miệt mài. Phòng nó không thiếu thứ
gì. Từ nhỏ nó thích gì được nấy. Nhà không thiếu bất cứ thứ gì cho nhu cầu sinh
hoạt của một con người. Nó bơi trong đồ đạc và đồ đạc. Giường nó ngủ, mẹ nó đặt
người ta thiết kế riêng với bốn bánh xe để đẩy lui tới trong cái phòng rộng
thênh. Khi thì gần cửa sổ để nghe chim kêu. Khi lại sát toilet để... đi vệ sinh
cho tiện.Đến năm lớp chín, nó mời mấy đứa bạn thân về nhà chơi. Trong khi cả lũ tròn
mắt đi quanh nhà nó ngắm nghía như ngắm cung điện thì Thắm, con bé hiền nhất
lớp hỏi nhỏ nó: “Sao giường của bạn nhiều gối thế, cả thú nhồi bông nữa
chứ...”. Lúc đó, nó đã không để ý lắm đến lời nhận xét của con bé.Lên cấp ba rồi vào đại học nó vẫn mờ mờ nhạt nhạt như thế. Bạn thì có nhưng
không thân. Yêu cũng không biết yêu ai. Nó ăn - uống - đi học - đi chơi cũng y
như hồi nó còn tuổi mầm non với sự quản thúc gắt gao của mẹ.Trong nhà, nhiều lúc nó không biết mẹ giỏi hay ba giỏi hơn. Ba nó là thương
binh ở chiến trường Campuchia. Là con trai của một anh hùng thời kháng chiến chống
Mỹ, ba nó được miễn nghĩa vụ và được đặc cách cho đi học nhưng ba tình nguyện
vào bộ đội từ năm 1979. Trở về quê sau những năm tám mươi, ba nó cùng một số
người bạn chiến trường của mình lập trang trại. Rồi những năm sau đổi mới, họ
cùng... bung ra làm kinh tế. Thời buổi công nghiệp phát triển ồ ạt, xí nghiệp
bốc vác, vận chuyển của ba nó dần dần ăn nên làm ra. Mấy ông thương binh người
thiếu tay người cụt chân thế mà đoàn kết với nhau dữ lắm. Tất cả mọi người như
anh như em. Mấy lần nó đến phòng làm việc của ba và mấy chú chơi, nó hay nói:
“Ba tháo cái bảng chữ đó xuống, sến lắm! Khẩu hiệu lắm. Gì mà “Tàn nhưng không
phế”? Cái đó chỉ ngầm hiểu với nhau là được rồi. Ba và mấy chú cười ngả
nghiêng: “Thời này người ta quên nhanh lắm con. Phải ghi lên vậy để ai cũng
nhớ. Không phế với cả bản thân mình và giúp người khác sống được, sống tốt nữa
mới hay”. Thảo nào công ty ba nó toàn là người hoàn lương, cơ nhỡ và cả khuyết
tật. Vậy mà ai vào việc nấy. Cứ gọi là êm ru từ sếp đến lính. Ba nó luôn tự hào
nhưng mẹ nó coi chẳng ra gì...Nhưng làm giàu thì dường như mẹ nó giỏi hơn. Từ miếng đất ba nó được cấp,
mẹ nó thế thế chấp chấp mua mua bán bán gì đó mà sau một vài năm mẹ giàu lên
nhờ đất đai. Tiền, đất vào nhà nó ào ào. Nó ngạc nhiên thấy mẹ say kiếm tiền và
giỏi kiếm tiền. Thế nhưng đôi khi mệt mỏi, mẹ ôm nó vào lòng như hồi còn bé mà
nựng nịu: “Cục vàng của mẹ đây. Không gì quý bằng con, sánh được với con. Ba
mày tưởng... điếc luôn sau gần chục năm sống với mẹ vậy mà cuối cùng mẹ cũng có
được con...”.Đó là những lúc nó khả dĩ thấy mình có giá trị. Còn lại nó thấy mình chẳng
là cái gì hết. Có khi nó thấy mình như cái ghế, cái tủ, như mấy cái vật lưu
niệm mà ba mẹ nó chưng trong tủ kính...Vẫn chưa có điện. Mẹ nó lầm bầm vì không thấy để đếm tiền, tính toán trước
khi thảy cục tiền vô két sắt. Ba nó ngồi uống trà suông rồi cũng đi ngủ. Phòng
nó bắt đầu hết hơi lạnh. Thấy nóng, nó mở cửa sổ, kéo rèm. Trời ơi! Nó sững sờ.
Trăng mười sáu tròn vành vạnh chênh chếch bên cửa sổ phòng nó. Và sao, sao đầy
trời. Lâu nay nó không hề mở cửa sổ phòng mình. Đêm đó, nó ngủ với ngổn ngang
suy nghĩ trong đầu.Sáng, nó dậy. Mẹ vẫn như mọi lần nói ăn nhanh mẹ đưa con đến trường luôn.
Nó nói hôm nay con không đi học, con đến nhà cô Ba nuôi mấy bé mồ côi. Nó lôi ra một cái bọc to tướng. Trong đó có chín cái gối. Năm cái cũ mẹ nó
mới bỏ ra. Bốn cái mới mẹ nó mới mua. Mẹ nó ngạc nhiên: “Con đem gối đi đâu
vậy?” - “Đem cho mấy đứa bé”.Gần chục đứa
trẻ ở với cô Ba. Chúng là con của mấy cô công nhân ở khu công nghiệp gần đó “lỡ
dại” với ai đó rồi đem bỏ rơi hay nhiều người đem con nhỏ đến gửi rồi đi luôn
không thấy quay lại. Mấy bé không có đủ gối, chăn, màn, sữa. Nó nhìn mấy bé ôm
mấy cái gối thật êm của nó ngủ mà rưng rưng. Ủa, nếu mình là ba của bọn trẻ này
nhỉ? Mà mình sẽ là ba hay là... mẹ? Nó vẫn thường khổ sở khi phải mơ hồ về giới
tính của mình như thế. Với số tiền mẹ cho, mình có thể nuôi cả lũ con nít này.
Nó nhìn cô Ba thở dài. Cô Ba đặt tay lên vai nó nói một câu an ủi như mọi lần:
“Cố lên con!”. Nó cũng không biết mình phải cố cái gì nhưng khi nào nghe cô nói
vậy nó cũng nhẹ lòng.“Mai con đi
làm”. Khi trở về nhà ăn cơm trưa, nó nói chắc như đinh đóng cột. “Con làm gì?
Con chưa học xong mà?”. Mẹ nó giãy lên như đỉa phải vôi. “Con không cần phải
làm gì cả. Mẹ lo được cho con. Con cứ yên tâm học hành”. Nó vẫn dứt khoát: “Cái
bằng ở trường con học có cũng như không. Có ai coi ra gì vì ai cũng biết nó
không ra gì. Mai con đi làm. Bắt đầu từ xí nghiệp bốc vác của ba...”.Lần đầu tiên
nó thấy mồ hôi rịn rịn rồi rơi một hai giọt từ trán. Ngoài hai mươi tuổi nó
mới... đổ giọt mồ hôi. Lâu nay nó đâu có bị nóng, bị mệt gì đâu. Lần đầu tiên
nó “thấy” mồ hôi mằn mặn. Cô gái thủ kho ghi chép gì đó và nhoẻn miệng cười với
nó. Chiếc răng khểnh thật xinh. Nó mừng hú lên khi phát hiện mình thấy con gái
xinh. Lâu nay bọn sinh viên nữ vẫn lượn lờ chung quanh nó có thấy đẹp xấu gì
đâu. Và nó càng vui hơn khi cảm giác mình đang đỏ mặt. Bất giác nó nhớ tới cô
bạn gái hồi học lớp chín. Thắm cũng xinh đáo để. Giờ cô bạn ở đâu? Nếu gặp lại,
nó sẽ nói giờ trên giường nó chỉ còn một cái gối.Ba lái xe đưa
mẹ nó đến lôi con về theo lệnh của bà. Thấy con trong bộ bảo hộ lao động, bà rú
lên thảm hại. Sao con lại ở đây, vị trí của con đâu phải ở đây. Rồi mẹ nó quay
sang trách chồng: “Ông không lo cho nó một cái bàn làm việc trong văn phòng ông
à? Ông không lo được để tui về mở công ty, cho nó làm giám đốc”. Nó cười nhìn
ba: “Con ổn”. Ba nó vỗ vai: “Cảm ơn con trai. Giờ ba mới thực sự tự hào về con.
Mẹ nói phải nâng niu con như... con gái. Mẹ nói thấy con... lạ lạ từ khi học
cấp hai. Làm việc đi, ba sẽ trích tiền lương của mình thưởng cho con tháng
này”. Nó cười tít mắt: “O.K ba!”. Mẹ nó giận dỗi bỏ đi vào chiếc xe hơi sang
trọng đang chờ trong bãi kho hàng. Trưa, nó ăn
vội hộp cơm. Mệt, nó gối đầu lên bao tải hàng ngay trong kho và nghĩ tới mấy
đứa mồ côi đang kê gối ngủ.Nó ngủ một
giấc trưa ngon lành. Ngon hơn ngủ với năm cái gối trên giường có bánh xe đẩy
lui đẩy tới...Trần Quỳnh Như