Lễ hội “Lái thiêu mùa trái chín” năm 2018: Hứa hẹn nhiều thành công

Cập nhật: 29-05-2018 | 08:06:01

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm nay diễn ra từ ngày 16 đến 22-6. Lễ hội dự kiến có gần 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, nhà vườn… tham gia.

Nhiều doanh nghiệp tham gia

Đã thành thông lệ, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” hàng năm được tổ chức trùng với thời điểm Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Đây là thời điểm trái cây khu vực Lái Thiêu (TX.Thuận An) vào mùa. Từ khi nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu được xây dựng thành công, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm.

Khách tham quan, mua măng cụt tại Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm trước. Ảnh: T. LÝ

Theo Ban tổ chức lễ hội, năm nay, có khoảng 40 nhà vườn tên tuổi tham gia các gian hàng trưng bày đặc sản trái cây Lái Thiêu. Lễ hội năm nay còn thu hút hàng chục nhà vườn từ các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long về tham dự, làm màu sắc cây trái Nam bộ thêm đa dạng, phong phú. Các gian hàng trưng bày đặc sản trái cây sẽ được bố trí ven rạch Vàm Búng, tiện lợi cho khách tham quan, mua sắm.

Bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An cho biết, tiếp nối thành công từ các mùa lễ hội trước, lễ hội năm nay tiếp tục có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tham gia với hơn 100 gian hàng. Ngoài các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, trang trí nội thất tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm, lễ hội năm nay còn có sự hiện diện của nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như gốm sứ, điêu khắc gỗ, đan mây tre lá…

Có thể thấy, trong điều kiện phát triển hiện nay, nhiều gia đình nông dân trong tỉnh nói chung, TX.Thuận An nói riêng đã chủ động thay đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp với tình hình mới. Theo đó, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình nông dân trong tỉnh. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ cũng đang được tỉnh nhà bảo tồn và phát huy giá trị. Trong điều kiện đó, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm nay đang hứa hẹn sẽ đem tới cái nhìn tươi mới hơn, lạc quan hơn về nông nghiệp, nông thôn Bình Dương trong giai đoạn mới.

Cơ hội quảng bá du lịch

Những năm qua, mỗi mùa Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” có hàng chục ngàn lượt khách tham quan, mua sắm. Đây là cơ hội rất tốt để ngành du lịch tỉnh Bình Dương quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh nhà.

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2018 có hoạt động ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Có thể kể đến các hoạt động như trưng bày các tác phẩm tạo hình từ hoa quả; không gian đàn ca tài tử; cuộc thi hương sắc miệt vườn, làng ẩm thực Nam bộ; các chương trình ca nhạc, nghệ thuật đường phố… Theo bà Phương, các doanh nghiệp du lịch sẽ không bỏ qua cơ hội này để thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Dự kiến, các công ty du lịch sẽ thiết kế tour tham quan vườn cây ăn trái kết nối với các quán ăn, nhà hàng ven sông Sài Gòn. Đặc biệt, ban tổ chức lễ hội còn mở tour tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh tại Bình Dương bằng xe điện, xe thổ mộ…

Vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển du lịch tham quan làng nghề, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch kết hợp thể thao, du lịch đường sông… Theo đề án, đến năm 2020, Bình Dương sẽ đón 6 triệu lượt khách, doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động. Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” năm 2018 sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển của ngành du lịch Bình Dương.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1432
Quay lên trên