Với những giá trị văn hóa đã tồn tại và được lưu giữ trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển của tỉnh đã khẳng định, Bình Dương là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời. Cùng với thời gian, những giá trị văn hóa được các thế hệ cư dân Bình Dương giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ, như những mạch nguồn kết nối, nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người dân; trở thành những di sản văn hóa (DSVH) vô giá và là nền tảng, động lực để Bình Dương tiếp tục phát triển đi lên.
“Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2020
Niềm vui tiếp nối
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục làm ảnh hưởng đến các mặt công tác, nhưng ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) tỉnh nhà vẫn gặt hái thêm những thành tựu đáng phấn khởi, đặc biệt là trong công tác bảo tồn DSVH. Những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Bình Dương liên tiếp đón nhận thêm những tin vui khi có 3 DSVH được vinh danh. Trong đó, có 1 DSVH vật thể là “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2020; 2 DSVH phi vật thể là “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà” và “Nghề gốm Bình Dương” được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2021.
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” được phát hiện tại di chỉ khảo cổ thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) có niên đại cách nay trên 2.000 năm. Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ xác định “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, Bình Dương; rộng hơn là khu vực Nam bộ và cả nước Việt Nam”.
Ông Phước cho biết thêm, “Nghề gốm Bình Dương” có lịch sử hình thành, phát triển trên đất Bình Dương khoảng 200 năm. Dù trải qua không ít thăng trầm, nhưng “Nghề gốm Bình Dương” vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, trở thành một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng ở tỉnh nhà. Trong khi đó, môn võ “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà” có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức văn hóa của người dân Bình Dương nói chung, của cư dân vùng Tân Phước Khánh (thuộc TX.Tân Uyên ngày nay), Bình Chuẩn (thuộc TP.Thuận An ngày nay) nói riêng. Từ những ngày đầu hình thành đến nay, môn võ này đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và có những đóng góp nhất định trong việc bảo vệ con người thời kỳ đầu khai phá lập làng, đến thời kỳ đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và rèn luyện sức khỏe sau này.
Giữ gìn, phát triển di sản văn hóa
Ngày nay, DSVH đã thực sự khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội. Công tác bảo vệ và phát huy DSVH luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, ngành VHTT&DL tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, phê duyệt nhiều đề án, dự án, văn bản quan trọng làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của tỉnh nhà. Từ đó, những giá trị văn hóa trên đất Bình Dương xưa - nay đã có dịp “vươn mình đứng dậy”, trở thành những DSVH quý báu của tỉnh nhà, của quốc gia và góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát triển kho tàng DSVH của dân tộc.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thành quả sáng tạo độc đáo của cha ông đã để lại những di sản vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú có giá trị đặc biệt, tiêu biểu như DSVH vật thể “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” và 2 DSVH phi vật thể “Nghề gốm Bình Dương”, “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà”. Có thể nói, việc 3 DSVH được vinh danh là bảo vật quốc gia, DSVH quốc gia lần này đã trở thành niềm vinh dự, tự hào của người dân Bình Dương, đồng thời góp phần thiết thực vào việc giữ gìn và phát triển sự phong phú, đa dạng trong kho tàng DSVH Việt Nam. |
Mỗi một DSVH đã được công nhận là một “công trình văn hóa” được tạo nên từ bàn tay, khối óc của bao thế hệ người dân Bình Dương. Từ sáng tạo ban đầu, những giá trị ấy tiếp tục được chắt lọc, bồi đắp qua nhiều thế hệ, tiếp tục phát triển và trở thành tài sản chung của dân tộc. Ông Nguyễn Khoa Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, việc các DSVH của tỉnh được vinh danh thời gian qua có ý nghĩa rất lớn, góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cũng như quảng bá hình ảnh đất nước; góp phần vào việc khai thác du lịch, phát triển kinh tế của địa phương. “Vì thế, ngay sau khi các DSVH được công nhận, Sở VHTT&DL đã triển khai xây dựng các phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật, DSVH quốc gia vừa được công nhận; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch quy hoạch, bảo tồn di tích khảo cổ Phú Chánh, xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà” và “Nghề gốm Bình Dương”, ông Hải nói.
Phát huy những thành quả đã đạt được, trong năm 2021, Sở VHTT&DL tiếp tục lập hồ sơ khoa học “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An”, “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An” để đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, công nhận là DSVH quốc gia trong thời gian tới. Hy vọng sang năm mới 2022, Bình Dương sẽ có thêm những tín hiệu vui trên lĩnh vực bảo tồn DSVH, để có thêm những minh chứng giá trị khẳng định thêm về bề dày lịch sử cũng như sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa của con người và vùng đất Bình Dương trong kho tàng DSVH dân tộc Việt Nam.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 62 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 49 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, 3 DSVH mới được công bố trong năm 2021 đã góp phần nâng tổng số bảo vật quốc gia của tỉnh đến nay lên 3 bảo vật, gồm: “Tượng động vật Dốc Chùa” (được công nhận vào năm 2013), “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” (năm 2018) và “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” (cuối năm 2020). Tỉnh có 3 danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: “Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp” (được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia vào năm 2016), “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà. |
HỒNG THUẬN