Hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước được chia tách từ tỉnh Sông Bé. Trong những năm đầu mới chia tách, tuy có nhiều thuận lợi nhưng Đoàn Văn công Bình Dương (nay là Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Bình Dương) vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác biểu diễn phục vụ khán giả. Dù vậy nhưng Đoàn Văn công Bình Dương vẫn cố gắng lưu diễn để phục vụ bà con nhân dân…
Trước khi chia tách, phong trào văn nghệ ở Sông Bé khá sôi nổi với nhiều đoàn cải lương mang tên Sông Bé 1, Sông Bé 2, Sông Bé 3, Sông Bé mới… Nhưng đến những năm 1990, cải lương lâm vào tình trạng thoái trào, các đoàn cải lương trên địa bàn tỉnh Sông Bé đang trên đà bị lao dốc, đóng cửa. Hoạt động mạnh mẽ trong giai đoạn bấy giờ là Đoàn Văn công Sông Bé. Ngoài phục vụ chương trình văn nghệ cho các sự kiện chính trị của tỉnh, Đoàn còn đi lưu diễn phục vụ các huyện xa.
“Những tháng ngày vất vả ấy không biết từ khi nào đã trở thành những kỷ niệm đẹp không thể nào quên của mỗi người làm nghệ thuật chúng tôi. Vào những ngày kỷ niệm của đoàn, chúng tôi thường kể với các em, các cháu thế hệ sau này, để động viên và giáo dục niềm đam mê cho các em để các em biết tự hào về truyền thống, về những “ngọn lửa” đam mê nghệ thuật đã “cháy” hết mình trên sân khấu, giúp các em tiếp tục phát huy và mang món ăn tinh thần đầy tươi vui nghĩa tình đến khắp muôn nơi”.
(Nhạc sĩ PHẠM ĐẮC HIẾN, nguyên Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Bình Dương)
Xúc động kể lại những ngày tháng cũ, biên đạo múa Đức Dưỡng, Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Bình Dương, cho biết thời ấy tôi là Đội trưởng đội múa, tuy điều kiện các thứ còn khó khăn, nhưng mỗi nơi đoàn đến đều nhận được sự yêu mến của người dân. Nghe tin đoàn đến biểu diễn họ sắp xếp công việc đến chọn chỗ từ buổi chiều, xếp gạch làm dấu “chỗ đã có chủ” ngay trước sân khấu để có chỗ tốt xem chương trình vào buổi tối. Có người đem tặng đoàn những thực phẩm “cây nhà lá vườn” rất dễ thương với mong muốn bồi dưỡng sức khỏe cho các diễn viên họ yêu quý.
Chương trình văn nghệ chào mừng 16 năm tái lập tỉnh Bình Dương và mừng năm mới 2013 Ảnh: M.HIẾU
Khi Sông Bé tách thành Bình Dương và Bình Phước thì Đoàn Văn công Sông Bé cũng chia tách thành Đoàn Văn công Bình Dương và Đoàn Văn công Bình Phước. Lực lượng cán bộ, diễn viên cũng chia tách thành mỗi đoàn một nửa. Đoàn Văn công Bình Dương khi ấy do cố NSƯT Đỗ Huỳnh Long làm trưởng đoàn (từ năm 1997 đến năm 2001). Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, diễn viên, đoàn đã từng bước khắc phục khó khăn, thêm vào đó đoàn được tỉnh cấp thêm xe sân khấu nên các diễn viên có sân khấu đàng hoàng, chương trình biểu diễn cũng chất lượng hơn. Biên đạo múa Đức Dưỡng cho biết, nếu như các chương trình biểu diễn có nội dung tùy thuộc vào ý tưởng lãnh đạo Đoàn Văn công tỉnh, thì ngay giai đoạn ấy Tỉnh ủy, Sở Văn hóa - Thông tin đã có nhiều quan tâm, đưa ra những định hướng trong các chương trình biểu diễn của Đoàn Văn công Bình Dương. Sở Văn hóa - Thông tin đã tổ chức nhiều đợt sáng tác ca khúc mới về Bình Dương. Nhờ vậy, các chương trình đã đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong những năm sau này do khoảng cách điểm diễn không còn xa xôi, đường sá trên địa bàn Bình Dương thuận tiện hơn, nên các chuyến lưu diễn thường được gói gọn trong ngày. Buổi chiều đoàn khởi hành đến điểm diễn, chuẩn bị sân khấu, âm thanh, đèn chiếu sáng… Buổi tối diễn xong là về, không còn cảnh ăn nhờ, ở đậu, ngủ tạm như trước kia, đời sống diễn viên được cải thiện nhiều hơn.
Năm 2006, đoàn được tỉnh đầu tư xây dựng nhà hát khang trang, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại với khoảng 150 chỗ ngồi. Nhờ đó, các diễn viên có chỗ tập dượt tốt hơn, đoàn có điều kiện biểu diễn nhiều chương trình và phát huy được sức sáng tạo của đội ngũ sáng tác như: nhạc sĩ, ca sĩ, biên đạo múa… Năm 2009, Đoàn Văn công Bình Dương đổi tên thành Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Bình Dương và từ đó đến nay có nhiều bước tiến chuyên nghiệp hơn trong công tác biểu diễn phục vụ nhân dân. Đoàn tham gia đều đặn và đạt nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vị trí của Bình Dương tại các sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp trong khu vực và toàn quốc.
MINH HIẾU