Mạng lưới y tế cơ sở chậm thích ứng với sự phát triển xã hội

Cập nhật: 06-04-2023 | 09:04:26

 Y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

 Điều trị bệnh bằng phương pháp YHCT tại Phòng khám Đa khoa khu vực An Thạnh, TP.Thuận An

 Khám, điều trị theo phương pháp y học cổ truyền

Phòng khám Đa khoa khu vực An Thạnh, TP.Thuận An mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị, trong đó có khoảng 20-30 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT). Đây là địa chỉ thu hút rất nhiều người dân, chủ yếu là người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, bệnh về cơ, xương, khớp đến khám và điều trị. Bà Nguyễn Thị Dung (69 tuổi), ở khu phố Thạnh Hòa A điều trị đau liệt nửa thân dưới do di chứng tai biến chia sẻ: “Sau khi điều trị tại bệnh viện, tôi đến phòng khám tập vận động. Hiện tại nửa người của tôi đã giảm đau, tôi có thể cầm nắm những vật nhẹ và đi đứng mà không cần ai dìu. Hàng ngày, ngoài uống thuốc tây y, tôi còn được chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, xông hơi”.

Bác sĩ Hoàng Văn Anh, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực An Thạnh cho biết: Hiện phòng khám đang triển khai các phương pháp điều trị YHCT như: Châm cứu, cứu ngải, xoa bóp, giác hơi, kéo nắn cột sống… Việc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp Đông - Tây y kết hợp mang lại hiệu quả cao. Đông - Tây y kết hợp là việc áp dụng song song y học hiện đại và YHCT để điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, y học hiện đại sẽ đảm nhận vai trò cận lâm sàng (siêu âm, X-quang, CT…) và sau đó bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, điều trị bằng YHCT. Chẳng hạn, đối với những bệnh như di chứng do tai biến mạch máu não, bại não… người bệnh sẽ được điều trị căn nguyên của bệnh theo y học hiện đại. Sau đó, họ sẽ được điều trị bằng các biện pháp YHCT không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… Việc này sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc đặc trị, góp phần nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

Hiện nay, không chỉ riêng Phòng khám Đa khoa khu vực An Thạnh triển khai các phương pháp điều trị YHCT mà rất nhiều trạm y tế, phòng khám đang từng bước triển khai khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT. Bác sĩ Nguyễn Văn Toản, Phó Trạm Y tế phường Tân Bình, TP.Dĩ An cho biết: “Hiện trạm đang đẩy mạnh phương pháp điều trị bệnh kết hợp YHCT với các phương pháp như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, ngâm chân thuốc, xông hơi. Việc chữa các bệnh mạn tính bằng YHCT có chi phí điều trị không cao, phù hợp với những người có thu nhập thấp, khó khăn, ít gây ra phản ứng phụ. Người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm điều trị lâu dài”.

Chậm thích ứng với sự thay đổi

Thống kê của Sở Y tế, mạng lưới y tế cơ sở trong hệ thống công lập toàn tỉnh gồm 91 xã, phường, thị trấn và 19 phòng khám đa khoa khu vực. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thực tế tại một số phường đông dân cư cho thấy, việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp. Trong những năm qua, ngành y tế đã có nhiều giải pháp cho tuyến y tế cơ sở nhưng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả như: Tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới.

Trước những hạn chế và bất cập của y tế cơ sở, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, đầu tư cho y tế cơ sở phải đồng bộ cả 3 lĩnh vực: Chuyên môn, cơ sở vật chất và máy móc thiết bị. Bộ Y tế đang tập trung xây dựng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình với các nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - lồng ghép - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng nhằm giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, qua đó hút người bệnh về với trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Khám, chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế, đặc biệt phải kết nối được khám, chữa bệnh ban đầu với các tuyến trên quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án và hài hòa nguồn thu giữa các tuyến để bảo đảm phát triển bền vững. Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý được sức khỏe của người dân kể cả người bị bệnh hay người khỏe mạnh”.

(Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=822
Quay lên trên