Không hiểu sao mỗi lần có dịp đến thăm nhà cổ Trần Văn Hổ tọa lạc số 18 Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tôi lại liên tưởng đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, Đồng Tháp! Chắc là do các ngôi nhà cổ đều đẹp, sát bên thị tứ náo nhiệt và con sông hiền hòa, chứng kiến bao biến cố lịch sử của quê nhà…
Tất nhiên, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng còn nhờ vào tiểu thuyết và bộ phim Người tình, nổi tiếng bởi mối tình của một công tử miền Tây với một thiếu nữ - nhà văn Pháp M.Duras. Đây là ngôi nhà cổ do ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha của ông Huỳnh Thủy Lê), một thương gia người Hoa (Phúc Kiến, Trung Quốc) nổi tiếng giàu có một thời ở Sa Đéc, xây dựng vào năm 1895 giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt nằm ven sông Sa Đéc.
Về ngôi nhà ông Trần Văn Hổ (tự là Đẩu) - nguyên là Đốc Phủ sứ thời thuộc Pháp, công trình được xây dựng năm Canh Dần (1890), được công nhận Di tích quốc gia ngày 29-4-1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2. Diện tích phần xây dựng ngôi nhà khoảng 200m2. Nhà cổ Trần Văn Hổ hiện chỉ còn lại một ngôi nhà chính. Đây là ngôi nhà lớn để thờ cúng ở gian giữa. Ngôi nhà bề thế và trang nghiêm, biểu hiện cung cách tôn ti trật tự, nề nếp. Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn. Lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh”, kiểu nhà được người dân Thủ Dầu Một xưa rất ưa thích. Trước sân được che phủ bởi cảnh thiên nhiên thu nhỏ của vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ được trang trí đầy đủ cảnh sinh hoạt “Ngư - Tiều - Canh - Mục”. Ngôi nhà có dáng dấp nhìn từ ngoài vào hơi thấp, mái ngói rêu phong, tạo cảnh sắc thiên nhiên của sự cổ kính, thanh tịnh. Cũng như nhà cổ Trần Công Vàng gần đó, các ngôi nhà cổ tuy nằm ngay khu thị tứ nhưng dường như tách hẳn với ồn ào, náo nhiệt của chợ đò, của kẻ bán người mua.
Trong khi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một điểm đến mà du khách trong và ngoài nước hiếm khi bỏ qua khi đến thăm làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp thì nhà cổ Trần Văn Hổ ít được du khách quan tâm. Hầu hết các hoạt động tham quan ở đây được tổ chức cho các đoàn học sinh, sinh viên đến tìm hiểu như một điểm du lịch của tỉnh nhà. Một vài người mê nhà cổ đến tìm hiểu, nghiên cứu. Việc quảng bá hình ảnh của nhà cổ này cũng vì thế mà còn hạn chế. Người trông coi nhà cổ Trần Văn Hổ cũng từng phản ánh về vệ sinh công cộng ở khu vực này. Nhiều người còn tùy tiện phóng uế, xả rác rất mất vệ sinh, tạo nên một hình ảnh không đẹp một chút nào.
Đến với nhà cổ Trần Văn Hổ, bỗng mong phố đi bộ Bạch Đằng nhanh chóng được xây dựng, đi vào hoạt động bài bản. Một khi có phố đi bộ Bạch Đằng, du khách cũng sẽ dập dìu trên bến dưới thuyền mua sắm sản vật của Bình Dương ở chợ đêm như những phố đi bộ, chợ đêm ở miền Tây sông nước. Sân nhà cổ hay ở gian chính của ngôi nhà là không gian quá đẹp cho một sân khấu đờn ca tài tử. Làm được như thế, nơi đây sẽ là địa chỉ văn hóa du lịch thơ mộng níu chân khách gần xa.
QUỲNH NHƯ