Nhắc đến nghệ thuật bóng rỗi tại Bình Dương, nhiều người vẫn còn nhớ đến nghệ nhân Ba Đón, cây đại thụ của nghệ thuật tín ngưỡng dân gian. Bằng cái tâm trong sáng, đạo đức hành nghề mẫu mực, với niềm say nghề, bà đã giữ gìn nghề bóng qua hai thế kỷ. Hiện nay, bộ môn nghệ thuật này vẫn còn được lưu truyền với tâm niệm mang đến hạnh phúc cho mọi người mỗi khi tuồng tích được diễn ra…
Hát tích tuồng theo cải lương tuồng cổ của đoàn bóng rỗi Quốc Dũng
Bà Ba Đón có biệt danh Bóng Đón, sinh năm 1919, tại vùng đất Lái Thiêu, vào nghề bóng rỗi từ năm lên 9 tuổi. Trải qua bao thăng trầm để đến với nghề, bà đã kiên nhẫn rèn luyện ròng rã trong vòng 10 năm để có thể trở thành cô bóng hát hay, trống giỏi. Bà thực sự là cây đại thụ, là biểu tượng về trình độ, đạo đức nghề nghiệp, là nhân chứng cho một giai đoạn thăng trầm của làng hát bóng Bình Dương.
Qua hơn 2 thế kỷ với nghề, bà Ba Đón đã truyền lại cho không biết bao thế hệ để nghề còn mãi với thời gian. Có dịp theo chân đoàn bóng rỗi Quốc Dũng với nghệ danh Thùy Dung có lẽ cũng là một trong những học trò nhiều đời của bà Ba Đón, chúng tôi mới cảm nhận được nghệ thuật bóng rỗi. Bằng sự nghiêm túc với nghề và sự khổ luyện của bản thân, bóng rỗi Quốc Dũng được nhiều người biết đến trong vở “Địa nàng”. Qua đây, chúng tôi cảm nhận được bóng rỗi cũng là bộ môn nghệ thuật, tín ngưỡng dân gian đáng trân trọng.
Người xưa có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì thế các đoàn bóng rỗi thường xuất hiện ở các miễu, hát tuồng tích cầu cho quốc thái dân an, bà con ăn nên làm ra… Hiện nay, cũng với mong muốn cầu cho may mắn, sức khỏe, gia đình hưng thịnh, các đoàn bóng rỗi đã đến tận nhà mỗi khi có người yêu cầu.
Các khâu trong một nghi lễ hát bóng rỗi từ đơm bông, têm trầu, cắt đôi dọi, sáng tác bài hát rỗi đến các nghi thức múa mâm vàng, múa bông huệ và diễn chặp tuồng Địa Nàng… đã được thay thế, gia giảm nhiều trong cách thể hiện. Bóng rỗi Quốc Dũng, nói: “Hiện tại nguyên gốc bóng rỗi xưa ít có người làm được, vì thế để tạo được sự hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật này là phần hát tích tuồng theo kiểu cải lương hồ quảng với mong muốn hóa giải, mang hạnh phúc đến với chủ nhà…”. Vì thế bóng rỗi Quốc Dũng đã cộng tác với những nghệ sĩ lành nghề, có tâm để ca diễn những tuồng tích bài bản nhất. Trong đó, nghệ sĩ Phương Trinh là đời thứ tư của cải lương hồ quảng hiện vẫn còn bám trụ cùng với nghề. Hay Trọng Tuấn, được đào tạo bài bản từ trường sân khấu - điện ảnh và hiện là đào chính của đoàn tuồng cổ Dĩ An cũng thường xuyên cộng tác cùng đoàn Quốc Dũng.
Trọng Tuấn chia sẻ: “Hát vừa là nghề và cũng vừa là nghiệp. Được hát là niềm vui, hạnh phúc. Ngoài thời gian rảnh ở đoàn tuồng cổ Dĩ An, tôi cộng tác với Quốc Dũng để được hát dù rất vất vả. Thế nhưng, có như thế thì cải lương tuồng cổ mới được lưu truyền, nghề vẫn còn được trân trọng…”.
Nghi thức của bóng rỗi không thể thiếu mâm vàng, mâm bạc. Và cô bóng Tài (Hóc Môn, TP.HCM) đã là đời thứ tư trong việc xây mâm vàng, mâm bạc. Bằng chiếc kéo nhỏ và 1 xấp giấy, qua vài đường múa nhanh, gọn, cô Tài đã cho ra hình hài nào là công, phụng đầy sắc sảo. Tận mắt nhìn những đường kéo của bà, chúng tôi mới thấy được cái tâm thật sự của một người làm nghề. Không chỉ thạo việc xây mâm mà nghi lễ của một bóng rỗi cũng được bà thực hiện thành thạo và cũng rất hay qua những bài bản hát rỗi đúng cấu trúc cùng trống, phách rộn ràng.
Theo chân đoàn bóng rỗi Quốc Dũng đã vài lần, chúng tôi nhận thấy quy trình hành lễ là như nhau, nhưng ở mỗi gia đình tuồng tích có khác đi. Song mục đích chính vẫn là cầu chúc cho gia đình, người thân luôn được sức khỏe, bình an và làm đâu được đó.
SONG ANH