Mỹ không để Trung Quốc “bành trướng” ở Biển Đông

Cập nhật: 01-06-2012 | 00:00:00

Chính phủ Mỹ không ủng hộ việc Trung Quốc đòi tiến hành các cuộc đàm phán song phương để giải quyết những tranh chấp. 

Ngày 31-5, một nghị sĩ cấp cao Mỹ tuyên bố không có ý định đối đầu hay kiềm chế Trung Quốc nhưng cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận bất kỳ điều gì mà Trung Quốc đòi hỏi, đặc biệt là trong việc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Thượng nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman cho biết, Chính phủ Mỹ không ủng hộ việc Trung Quốc đòi tiến hành các cuộc đàm phán song phương để giải quyết những tranh chấp hiện nay ở Biển Đông.

 Tàu ngầm tấn công hiện đại nhất USS North Carolina của Hải quân Mỹ cập cảng Philippines Hai thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán đa phương giữa những quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông để giải quyết một loạt tranh chấp lãnh hải ở khu vực chiến lược này. Đây cũng chính là đề xuất được đưa ra bởi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có 4 thành viên ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Theo lời Thượng nghị sĩ Lieberman, Mỹ không có ý định đối đầu hay kiềm chế Trung Quốc nhưng nước này cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận bất kỳ điều gì mà Trung Quốc đòi hỏi. "Đó là nguyên tắc nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải và an ninh hàng hải. Chúng tôi không thể đồng ý với việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Đơn giản là vì, điều đó không công bằng cho các nước có tranh chấp khác”- ông Lieberman nhấn mạnh.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng, những việc mà Mỹ làm trong thời gian vừa qua không phải là sự can thiệp vào tình hình Biển Đông. Mỹ chỉ làm những điều đó nhằm củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực.

Những phát biểu trên của hai thượng nghị sĩ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu với một nước lớn như Trung Quốc, Manila không có cách nào khác là phải dựa vào Mỹ - cường quốc quân sự số một thế giới và cũng là đồng minh thân thiết của Philippine. Tuy nhiên, Bắc Kinh cực lực phản đối việc Philippines lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp lãnh hải với họ. Nước này nhiều lần cảnh báo, đe dọa cả Mỹ lẫn Philippines về việc này.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng lợi ích của Bắc Kinh ở châu Á

Trong khi Mỹ khẳng định sẽ không dễ dàng chấp nhận bất kỳ điều gì mà Trung Quốc đòi hỏi, đặc biệt là trong việc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông thì ngày 31/5, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi Mỹ tôn trọng các lợi ích của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta bắt đầu chuyến thăm khu vực này nhằm củng cố sức mạnh của hải quân Mỹ.

Chuyến công du tới châu Á - Thái Bình Dương của ông Panetta diễn ra một năm sau khi Tổng thống Barack Obama công bố kế hoạch thay đổi trọng tâm chiến lược quân sự của nước Mỹ sang khu vực này và đến trong bối cảnh tình hình tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông đang gia tăng căng thẳng.

Khi được hỏi về chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ của ông Panetta, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho biết, Bắc Kinh hy vọng Mỹ "sẽ đóng vai trò tích cực và xây dựng trong khu vực".

"Chúng tôi cũng hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng các lợi ích và các mối quan tâm của Trung Quốc trong khu vực" - ông Lưu Vi Dân nói.

Phát biểu trước khi lên đường tới Singapore tham gia "Đối thoại Shangri-La", Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho biết, chuyến công du của ông là một bước đi "thận trọng" của Mỹ trong việc đối mặt với sự đang lớn mạnh của quân đội Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại Shagri-La) sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3/6, tại Shangri-La, Singapore với sự tham dự của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, Nga và Mỹ.

Đây là diễn đàn an ninh liên chính phủ có sự tham dự của các quan chức quốc phòng hàng đầu khu vực và thế giới  thảo luận về các chủ đề như các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên...

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được dự đoán sẽ là chủ đề thu hút chú ý nhất tại hội nghị lần này trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines tiếp tục đưa tàu và không có dấu hiệu nhượng bộ trong tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên