Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nhiều lối mở

Cập nhật: 06-07-2015 | 09:34:13

Có nguồn nhân lực (NNL) tốt sẽ quyết định việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định tầm quan trọng đó, Bình Dương đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện và đã có những kết quả về nâng cao chất lượng NNL Bình Dương.

 

Thí sinh tranh tài tại hội thi tay nghề trẻ tỉnh, thúc đẩy phong trào rèn luyện tay nghề Ảnh: T.V

Đào tạo NNL tại chỗ

Trên cơ sở mục tiêu, nội dung và yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015, Bình Dương đã xây dựng và triển khai thực hiện 8 đề án để nâng cao chất lượng NNL đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình thực hiện, Bình Dương phê duyệt bổ sung 2 Đề án Ngành Giáo dục - Đào tạo và Bộ Chỉ huy Quân sự. Giai đoạn 2011-2014, đã có 30.747 lượt cán bộ công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng hành chính, tin học, ngoại ngữ. Trong đó, đào tạo sau đại học trong nước 324 người, học tại các nước như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn, Trung Quốc 35 người...

Bên cạnh đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, Bình Dương còn chú trọng nâng cao trình độ công nghệ thông tin (CNTT) cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm ứng dụng vào quá trình giải quyết công việc hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian. Từ năm 2011- 2014, Bình Dương đã tổ chức 208 lớp CNTT cho 4.763 lượt cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 137 lãnh đạo tham dự. Nhờ được bồi dưỡng kiến thức CNTT, cán bộ, công chức, viên chức đã được nâng lên rõ rệt với 90% cán bộ cấp tỉnh, huyện sử dụng máy tính và các nghiệp vụ thông thường trên mạng… Đối với công an, quân đội là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh trật tự nên tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn. Bình Dương còn tổ chức các lớp trung cấp lý luận chính trị cho công chức các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc cử cán bộ các cơ quan này đi học cao cấp lý luận chính trị nhằm nâng cao trình độ về lý luận và bảo đảm tiêu chuẩn của ngành khi đề bạt, bổ nhiệm.

Để tạo nguồn nhân lực cố định cấp xã, tỉnh tổ chức 2 khóa đào tạo với 196 học viên học trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đến nay, 1 khóa có 83 học viên đã tốt nghiệp được bố trí về công tác tại xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đối với NNL là học sinh, sinh viên, tỉnh thực hiện đề án tuyển chọn, đào tạo, hiện nay đã chọn được 30 sinh viên và 34 học sinh lớp 12 các trường THPT trong tỉnh. Các em đều là những “hạt nhân” có thành tích học tập xuất sắc được tạo điều kiện “chinh phục” tri thức để trở về phục vụ địa phương.

Thu hút lao động

Đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng để duy trì sự ổn định NNL tại chỗ, nhiều năm qua, Bình Dương đã ban hành và thực hiện chính sách thu hút người có trình độ cao về Bình Dương làm việc với nhiều hình thức khác nhau như tiếp nhận từ ngoài tỉnh, tuyển dụng thông qua xét tuyển, thi tuyển. Bà Nguyễn Thị Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Bình Dương đã thu hút 398 người có trình độ sau đại học gồm 3 phó giáo sư - tiến sĩ, 45 tiến sĩ, 350 thạc sĩ. Việc thu hút tập trung nhiều nhất thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo về các trường THPT, đại học để đáp ứng điều kiện mở mã ngành và phục vụ công tác giảng dạy. Ngoài ra, một số trường còn liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài để đào tạo đội ngũ lao động giỏi chuyên môn, tay nghề cho tỉnh.

Tại các doanh nghiệp (DN) cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các lãnh đạo, quản lý DN, lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn, ngành nghề đang cần, đồng thời trả lương và có các chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm. Các DN còn phân bổ nguồn tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với người lao động làm việc tại DN để nâng cao tay nghề, nâng cao sản xuất. Với các biện pháp, cách thức đào tạo, thu hút nhân tài, đến nay trên địa bàn tỉnh có 7.569 người làm việc ở vị trí lãnh đạo trong các ngành, đơn vị; 70.603 người có chuyên môn kỹ thuật bậc cao.

Với những bước đột phá của Bình Dương trong việc đào tạo, thu hút NNL đã góp phần đáng kể thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục xác định NNL chất lượng cao là một trong các nguồn lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bình Dương sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác nâng cao chất lượng NNL; các ngành, các cấp cần nâng cao nhận thức và hành động thiết thực, khả thi, tập trung khai thác nguồn lực con người nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế và hội nhập.

 

 T.LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=828
Quay lên trên