Những cảnh báo nêu trên không thừa vì qua thực tế các vụ việc đã xảy ra, phần lớn đều bắt nguồn từ sự vô ý thức của không ít du khách. Gần đây nhất là vụ, một nhóm khách tham quan gây ra đám cháy thiêu hủy hoàn toàn ngôi nhà Lang, một công trình kiến trúc cổ hơn 100 năm tuổi duy nhất còn lại của tầng lớp chức sắc người Mường cao nhất trước đây, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở tỉnh Hòa Bình. Công trình kiến trúc vô giá này cùng hơn 200 hiện vật cổ trưng bày, do họa sĩ Vũ Ðức Hiếu sưu tầm suốt 15 năm qua đã biến thành tro trong phút chốc chỉ vì nhóm khách đã cố tình đốt lửa trong bếp để... "nướng ngô", mặc dù ngay cạnh đó là biển báo cấm đốt lửa của bảo tàng.
Ðáng trách hơn, lúc đám cháy bùng lên, vì sợ trách nhiệm, họ không báo động và tìm cách dập lửa mà lặng lẽ lên xe ô-tô bỏ chạy. Cũng may là các nhân viên bảo tàng và lực lượng chức năng kịp thời vào cuộc, không để lửa cháy lan sang các khu trong bảo tàng.
Ở nhiều điểm đến tham quan, du lịch khác cũng từng diễn ra các hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức. Ngay cả những nơi linh thiêng như khu tượng đài danh nhân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và di tích văn hóa - lịch sử mang tính biểu tượng, họ cũng không tha khi trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh. Ðiều đáng buồn là số đông trong các vị khách du lịch, tham quan ấy lại là giới trẻ và có cả một vài diễn viên hài vốn được coi là "người của công chúng". Các hình ảnh phản cảm được họ hả hê, khoái chí tung khoe trên facebook hoặc các diễn đàn mạng, coi đó như một kỷ niệm của mình trong chuyến đi.
Tại nhiều điểm đến đáng lẽ cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thì sự vô ý thức của một bộ phận du khách cũng hủy hoại và làm hoen ố vẻ đẹp của các di tích, danh thắng bởi những hành vi như dùng dao, dùng bút, than, phấn để khắc hình, ký tên, vẽ nhăng cuội, chi chít trên di tích. Có những hang động với hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp hình thành từ hàng nghìn năm, vậy mà sau vài mùa đón khách tham quan đã bị rơi, rụng hay vỡ nát do các du khách đua nhau lén lấy đá đập để nghe âm thanh hoặc tìm kiếm một mẩu nhũ mang về. Tình trạng rác rưởi do khách vô ý thức vứt ra bừa bãi cũng làm đau đầu ban quản lý các khu di tích, danh thắng trong công tác xử lý.
Ngay cả Di sản và Kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng bị du khách vô tư xả rác xuống mặt biển, mặc dù ban quản lý đã tăng cường nhắc nhở, xử phạt. Không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu các cơ quan chức năng địa phương, bởi có những lúc số lượng khách đổ về quá đông mà lực lượng bảo vệ, thu gom rác lại mỏng, có làm việc hết công suất cũng không xuể.
Nếu không có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách trong việc bảo vệ, giữ gìn các khu di tích văn hóa, danh lam, thắng cảnh, sẽ dẫn đến những "thảm họa". Hậu quả của nó không chỉ đong đếm bằng tiền mà còn bởi những thiệt hại không thể bù đắp khi mất đi các giá trị vật thể và tinh thần vô giá về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử được hình thành và lưu giữ qua hàng nghìn năm. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nhắc nhở cần đi đôi với các biện pháp, chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng cũng không khó gì để tìm ra những vị khách thiếu ý thức khi họ tung hình ảnh lên in-tơ-nét. Sự nhân nhượng, cho qua các hành vi hủy hoại di sản, phản văn hóa đồng nghĩa với việc tiếp tay, tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tiêu cực, coi thường pháp luật.
Ðã đến lúc, ngoài việc xử phạt hành chính bằng tiền những người vi phạm, cần áp dụng cả biện pháp phạt lao động công ích, lau chùi, thu dọn vệ sinh tại những khu vực mà họ phạm lỗi. Cần nghiên cứu và ban hành các quy định phù hợp trong quản lý dịch vụ, cấm ăn uống hay sử dụng các dịch vụ gây ảnh hưởng tiêu cực đến không gian di tích, thắng cảnh như nhiều nước trong khu vực đã áp dụng.
Theo Nhân Dân