Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đã giúp nâng cao hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các nước nói chung, Việt Nam nói riêng. Theo nhận định của các nhà quản lý du lịch, trong điều kiện người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với xu hướng tìm kiếm trực tuyến, ngành du lịch càng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đổi mới phương thức quảng bá
Nếu như trước đây, để quảng bá, giới thiệu, phát triển điểm đến, các đơn vị kinh doanh lữ hành trong nước cũng như tại Bình Dương sẽ phải mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí để quảng cáo trên các kênh truyền thống như báo chí, truyền hình, đài phát thanh, tờ rơi... hay phải đến tận nơi giới thiệu các tour du lịch. Tuy nhiên, với sự phát triển của internet, mọi người trên thế giới đều có thể dễ dàng truy cập và tìm hiểu những danh lam thắng cảnh, những địa điểm vui chơi trên toàn thế giới, nhờ đó kích thích nhu cầu đi du lịch và là cơ hội mở rộng thị trường du lịch.
Phát biểu tại hội thảo khoa học “Du lịch Bình Dương: Nâng cao sức cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững” được tổ chức tại Bình Dương vừa qua, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, cho rằng trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mọi thứ đều được liên kết với nhau, chỉ cần một cái bấm chuột hay một cái chạm ngón tay thì mọi thông tin về các điểm du lịch, các điểm lưu trú, đặt vé máy bay… đều hiển thị rõ ràng. Đây có thể nói là cơ hội lớn cho ngành du lịch phát triển và nâng cao hiệu quả trong quảng bá. Đối với tỉnh Bình Dương, là một tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và đang trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, việc phát triển ngành du lịch trên nền tảng internet là rất khả quan.
Du khách nước ngoài tham quan nghề truyền thống sơn mài tại Tương Bình Hiệp trong tour chùa Bà - chùa Hội Khánh - nhà cổ Trần Công Vàng - làng nghề sơn mài do SongBe Tourist tổ chức. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Đối với các đơn vị du lịch, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là một cơ hội để có thể tuyên truyền, quảng bá những thông tin lên website, lên các mạng xã hội Facebook, Zalo… “Khi khu du lịch, đơn vị kinh doanh du lịch đưa những hình ảnh tốt đẹp của mình lên website, mạng xã hội nhằm quảng bá điểm đến du khách, đồng thời các khu du lịch cũng nhận lại những thông tin phản ánh của du khách. Đây là biện pháp rất tốt để khu du lịch có thể tăng lượng khách, cùng với đó khắc phục những điểm thiếu sót để phục vụ du khách tốt hơn, giảm tình trạng khách đến và không muốn quay lại nữa”, ông Lương Thiện Nhân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy Châu (Khu du lịch sinh thái Thủy Châu, TX.Dĩ An), cho biết.
Theo các chuyên gia, rõ ràng, ngành du lịch trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số; sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ. “Hiện nay, việc sử dụng Facebook hay dùng các phần mềm khác như Zalo… cho phép mọi người, các đơn vị lữ hành tương tác gần như tức thì, không có chậm trễ ngay cả khi ở nước ngoài. Nên khi đi du lịch ở nước ngoài, khách du lịch vẫn có thể giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân, giải quyết được công việc hàng ngày của mình. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ số có thể tạo lập thông tin và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật sự hài lòng khi đi du lịch là điều rất cần thiết”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Tăng cường liên kết
Theo nhận định của các chuyên gia, công nghệ 4.0 thực sự đã tạo ra điểm chạm không thể ngờ đến khi thông tin, hình ảnh tại điểm du lịch có thể nhanh chóng được chia sẻ cho mọi người ở mọi nơi mọi lúc. Từ những bức hình, bài viết hay thông tin được chia sẻ (share) qua Facebook, các địa điểm du lịch nổi tiếng, mới lạ với chất lượng dịch vụ tốt thông qua công nghệ 4.0 có thể nhanh chóng tạo thành hiệu ứng đám đông, nhanh chóng gây dựng thương hiệu cho điểm đến, thậm chí đó còn là thương hiệu mang tầm vóc, quy mô toàn cầu.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, Bình Dương trong thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển du lịch, tham gia nhiều chương trình để tăng cường quảng bá nhưng khâu kết nối giữa các điểm du lịch, các địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ còn yếu. Để ngành du lịch phát triển mạnh, Bình Dương cần liên kết website du lịch Bình Dương với website của các đơn vị tại TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam bộ để tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng như tranh thủ dòng khách từ các địa phương này.
Ông Phương cho biết, việc liên kết website du lịch Bình Dương với website của các đơn vị khác vô cùng đơn giản, chỉ cần thông qua website, Facebook hay Zalo là mọi thông tin du lịch như điểm vui chơi giải trí, phương tiện đi lại, giá cả khách sạn, ẩm thực… đã “bày ra” trước mắt cho du khách. Bình Dương không thiếu các điểm đến du lịch, cũng như có nhiều món ăn mang hương vị riêng, tuy nhiên việc liên kết vẫn còn chưa được chú trọng. Do vậy, các đơn vị kinh doanh lữ hành, các đơn vị kinh doanh lưu trú, các điểm ẩm thực… phải tạo được sự liên kết với nhau, không chỉ liên kết nội tỉnh mà còn phải liên kết vùng và mở rộng liên kết quốc tế.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Tường, trường Cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, các địa phương cũng cần phải xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, bởi du khách đến du lịch không nhất thiết là phải đến các điểm du lịch nổi tiếng, mà có khi chỉ đến du lịch để dạo mát, uống café hay thưởng thức một món ngon đường phố. Do vậy, cần xây dựng được các tour du lịch liên kết để đáp ứng nhu cầu du lịch trải nghiệm thực tế, du lịch khám phá của du khách.
Bên cạnh thời cơ, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức trong việc phát triển du lịch trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế trường Đại học Fulbright, cho rằng một sự việc bao giờ cũng có hai mặt, với lượng thông tin khổng lồ do internet mang lại thì cơ hội phát triển du lịch là vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, còn có những thông tin trái chiều, chỉ cần một câu bình luận trên Facebook hay Zalo về điểm xấu của một điểm du lịch nào đó cũng có thể làm sút giảm lượng du khách, thông tin này có thể là do du khách nêu ra hoặc đối thủ cạnh tranh đưa ra để hạ thấp uy tín. Do vậy, các ngành chức năng, các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác quản lý để hạn chế tiêu cực và chú trọng đến vấn đề an ninh mạng.
HOÀNG PHẠM