Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nỗ lực phát triển du lịch

Cập nhật: 09-07-2015 | 07:35:41

Bình Dương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch (DL) sinh thái, DL lịch sử, làng nghề… nhưng những tiềm năng này chưa được khai thác. Để DL Bình Dương phát triển bền vững, thật sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh cần sự chung tay của các ngành, các cấp và mỗi người dân trong khả năng của mình với tư cách là một “Đại sứ DL”.

 

 Tái hiện nét đẹp văn hóa miền sông nước trong Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín để thu hút khách du lịch Ảnh: T.LÝ

 Nhiều tiềm năng

Bình Dương là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho những vườn cây ăn trái trĩu quả như Lái Thiêu (măng cụt, sầu riêng), Tân Uyên (bưởi). Do đó, khi nhắc đến Bình Dương, du khách nhớ ngay đến những vườn cây ăn trái. Họ đến để được tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức hương vị của nhiều loại trái cây đặc sản. Thế nhưng, hiện nay nhiều vườn cây chung cảnh “thiếu người thưởng lãm”. Ông Nguyễn Văn Dội, ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, TX.Thuận An, gia đình có nhiều năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, cho biết gia đình ông có 5.000m2 đất, chủ yếu trồng măng cụt, dâu xiêm, bòn bon, sầu riêng. Trước đây, đến mùa trái chín, khách thập phương đến rất đông. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay diện tích cây ăn trái ngày càng sụt giảm, mất dần lượng khách DL dẫn đến thu nhập của người dân cũng khó khăn.

Ngoài những vườn cây trái trĩu quả, thơm ngon thu hút du khách, Bình Dương còn có nhiều đồi núi, ao hồ, sông suối là tiềm năng phát triển của loại hình DL sinh thái, “hòa mình” với thiên nhiên như núi Châu Thới (là Danh thắng cấp Quốc gia), lòng hồ Dầu Tiếng… Ngoài ra, Bình Dương còn có hơn 50 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Điển hình như: Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tam giác sắt và nhiều di tích văn hóa dân tộc lâu đời như chùa, đình, miếu, nhà cổ, mộ cổ… khiến du khách rất muốn tìm hiểu.

Theo nhiều công ty DL thì mảng DL làng nghề cũng là điểm nhấn của DL Bình Dương nhưng chưa thực sự phát huy. Bình Dương vốn nổi tiếng với các làng nghề lâu đời của đất phương Nam xưa, có thể phát triển loại hình DL tham quan học hỏi, tìm hiểu như nghề gốm, gỗ thủ công, đúc đồng, sơn mài, làm lu gốm… nhưng các làng nghề nhìn chung đang mai một dần.

Với những “mỏ vàng” được thiên nhiên ban tặng, con người tạo ra, sẽ là cơ hội để Bình Dương phát triển DL. Thế nhưng, DL Bình Dương chưa thật sự phát triển, còn rất nhiều vấn đề phải khắc phục. Chẳng hạn, phải phục hồi lại DL sinh thái, DL lịch sử, DL làng nghề… bằng quy hoạch, bảo vệ môi trường, phải có chính sách rõ ràng, cụ thể, thông thoáng, hấp dẫn để các nhà đầu tư sẵn sàng “mở hầu bao” đầu tư làm cho du khách hài lòng, yên tâm ghé thăm Bình Dương.

Giải “bài toán” DL

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết để phát triển DL, ngành đã tổ chức hội nghị kích cầu DL. Chương trình kích cầu DL sẽ là cơ hội để ngành DL tỉnh giới thiệu hình ảnh địa phương đến với du khách trong và ngoài nước; các doanh nghiệp kinh doanh DL và dịch vụ có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để phát huy hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Ngành cũng đã yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện, thị, thành phố có liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh DL, các khu vui chơi giải trí… trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh các điểm đến DL Bình Dương. Đối với các điểm DL cần tích cực tu sửa, xây dựng các hạng mục để phục vụ du khách.

Giải “bài toán” phát triển DL trong tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã thành lập Trung tâm xúc tiến DL tỉnh. Trung tâm biên soạn, xuất bản Cẩm nang và Bản đồ DL tỉnh, xây dựng và vận hành website DL tỉnh (www.dulichbinhduong. org.vn); tuyên truyền các giá trị di tích lịch sử, văn hóa cách mạng cho đoàn viên thanh niên trong tỉnh, tham gia cung cấp thông tin DL Bình Dương tại các hội chợ DL do Tổng cục DL và các tỉnh, thành tổ chức... Qua đó, góp phần quảng bá, xúc tiến và giới thiệu hình ảnh Bình Dương đến đông đảo người dân cũng như du khách trong và ngoài nước.

 

Ngành VH-TT&DL cũng đã đề ra nhiều giải pháp gắn DL sinh thái với phát triển vườn cây ăn trái, kích cầu DL nội địa. Đối với vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Sở VH-TT&DL xây dựng Đề án “Phát triển các sản phẩm DL đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó vườn cây ăn trái Lái Thiêu là một trong những sản phẩm DL đặc thù. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển DL tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là điều kiện thuận lợi để DL Bình Dương phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Đối với DL lịch sử, ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh, cho biết để phát triển DL lịch sử, thời gian tới ban sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục - đào tạo đưa học sinh, sinh viên trong tỉnh về thăm di tích; tạo điều kiện để các cá nhân, đơn vị cảm thấy thoải mái khi đến tham quan, cắm trại tại các điểm di tích; đồng thời, nỗ lực trùng tu, tôn tạo để không làm mất đi giá trị lịch sử, xây dựng thêm các hạng mục phục vụ du khách tham quan. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng vừa củng cố, ra mắt Ban Chấp hành mới của Hiệp hội DL với những cá nhân có năng lực, tâm huyết, đam mê với ngành nghề. Đây được coi là “cú hích” cho DL tỉnh phát triển theo định hướng, để trong một vài năm tới, Bình Dương không chỉ nổi tiếng về phát triển công nghiệp mà còn là tỉnh nổi tiếng về DL. 

 THIÊN LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5023
Quay lên trên