Bị liệt 2 chân do sốt bại liệt từ nhỏ, trải qua nhiều lận đận trong cuộc sống nhưng Hồ Ngọc Thân (SN 1956) vẫn vươn lên, góp phần làm đẹp cho đời với nhiều màu sắc vui tươi bằng bộ môn nghệ thuật bong bóng.
Từ cuộc đời lận đận…
Sau giải phóng, Ngọc Thân theo gia đình đến xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) làm kinh tế mới. Vì bị liệt 2 chân nên anh Thân không làm được những việc nặng nhọc của nhà nông. Thay vào đó, anh cùng bạn bè bán văn hóa phẩm ở Bến xe Bình Dương, rồi các bến xe ở miền Trung, miền Tây. Năm 1998, anh cùng vợ và 2 con trai vừa mở tiệm bán sách báo trước trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên), vừa mua sắm đồ đạc làm trang trại nuôi bò sữa. Sản lượng sữa của trang trại rất tốt nhưng do thời gian vận chuyển sữa đến công ty dài nên sữa thường bị hư hỏng, nên anh đành chấm dứt giấc mộng làm giàu từ bò sữa. Rồi anh Thân chuyển sang nuôi dế bán cho thương lái cung cấp cho các nhà hàng. Sau vài lần thông thương mua bán có thu nhập ổn định, thêm một lần nữa, anh gặp chuyện chẳng lành, nghề nuôi dế phá sản.
Vừa thoăn thoắt đôi tay để tạo hình những quả bong bóng một cách sáng tạo và nghệ thuật, anh Hồ Ngọc Thân (phải) vừa luôn
miệng chỉ dạy nhiệt tình tại lớp nghệ thuật bong bóng Nhà Thiếu nhi tỉnh. Ảnh: THỤC VĂN
Trở thành “ông bụt” bong bóng
Mặc dù gặp nhiều lận đận trong việc làm ăn nhưng anh Hồ Ngọc Thân rất tích cực tham gia phong trào thể dục thể thao ở địa phương, nhất là bộ môn đua xe lăn (3 HCV cấp tỉnh) và cử tạ. Tính đến nay, anh Thân đã có 3 bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh tặng, 1 bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật Trung ương, 1 bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong những ngày tháng trông coi CLB võ thuật Taekwondo dùm con trai, anh Thân vô tình đọc được trên mạng thông tin chiêu sinh lớp nghệ thuật bong bóng do người nước ngoài dạy tại TP.HCM. Thấy đây là một bộ môn mới lạ, trẻ con rất thích nên anh quyết định đăng ký học tại Cung Văn hóa Lao động (TP.HCM). Kết thúc 2 tháng xuôi ngược Bình Dương - Sài Gòn kiên trì học tập từ cơ bản đến nâng cao, anh Thân đã bỏ khoảng thời gian gần 2 năm vừa rèn luyện cho “dẻo” tay nghề, tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật tạo hình từ các bạn bè xung quanh. Đến nay, anh Thân đã làm được nhiều sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp dần và trông rất đẹp mắt.Với anh, bong bóng không chỉ là sở thích, là niềm đam mê mà còn là sợi dây gắn kết anh với mọi người, mang niềm vui đến cuộc sống và giúp anh tạo nên màu sắc cho cuộc đời.
Với mong muốn hướng dẫn, chia sẻ cách tạo hình bong bóng cho các bạn cùng chung niềm say mê, phối hợp với các đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ, doanh nghiệp… làm từ thiện, phát bong bóng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, anh Thân đã mở lớp dạy tại trường Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Bình Dương và mới đây là tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Vừa thoăn thoắt đôi tay để tạo hình những quả bong bóng một cách sáng tạo và nghệ thuật, vừa luôn miệng chỉ dạy nhiệt tình, anh Thân cho biết: “Khi học nghệ thuật bong bóng, người học, nhất là các em thiếu nhi sẽ phát triển óc quan sát, biết phân biệt sự khác nhau giữa các thú, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo. Ngoài ra, người học chỉ cần một chút tinh tế và một chút năng khiếu cùng những vật dụng chuyên dùng cho môn bong bóng nghệ thuật khá đơn giản, gồm: loại bong bóng dài để có thể dễ uốn nắn thành các kiểu dáng và một chiếc bơm tay”.
Những chiếc bong bóng tưởng chừng như vô hồn nhưng qua đôi bàn tay của “ông bụt” bong bóng Hồ Ngọc Thân, chúng trở thành những sinh vật rất đáng yêu, đem đến nhiều niềm vui và hạnh phúc cho các em thiếu nhi, góp phần tạo nên nhiều sắc màu tươi đẹp cho đời.
THỤC VĂN