Ngọt ngào Bình Dương trong câu hát quan họ

Cập nhật: 16-12-2017 | 07:42:52

Vừa sinh hoạt lưu truyền văn hóa của quê hương Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), những “liền anh, liền chị” ở Bình Dương còn thể hiện sự sáng tạo, tình yêu của mình qua những câu hát quan họ ngọt ngào, ca ngợi Bình Dương.

Hát quan họ là hình thức biểu diễn (hát) quan họ trên sân khấu hoặc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như: Tết đầu xuân, lễ hội, hay các dịp họp mặt… Với nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, hát quan họ bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... và được cải biên (soạn lời mới từ làn điệu truyền thống) thành nhiều bài hát phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Qua đó, vừa góp phần quảng bá quan họ rộng hơn trên mọi miền đất nước, vừa thể hiện sự sáng tạo, tình yêu đối với quê hương thứ hai nơi mình sinh sống, lập nghiệp.

 Tiết mục “Bình Dương đổi mới” do CLB dân ca Như Nguyệt biểu diễn trong chương trình giao lưu Tiếng hát quan họ tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh. Ảnh: T.VĂN

Có dịp tham gia và thưởng thức nhiều chương trình giao lưu hát quan họ ở Bình Dương, nhiều “liền anh, liền chị” của các đơn vị bạn đến từ nhiều tỉnh, thành lân cận đã không khỏi bất ngờ trước sự đằm thắm, ngọt ngào trong từng giọng ca mà còn được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc với những bài hát quan họ viết về Bình Dương. Một trong số những tác giả có những bài hát được nhiều người yêu thích hiện nay có thể kể đến là ông Trần Ngọc Hảo (Chủ nhiệm CLB dân ca Như Nguyệt). Với tình yêu sâu đậm trên đất Bình Dương, “liền anh” Ngọc Hảo đã sáng tác hơn chục bài hát mang âm hưởng quan họ có nội dung ca ngợi quê hương thứ hai này. Nếu trong một canh hát quan họ thì ông Hảo có bài mở màn là Tấm lòng người quan họ trên đất Bình Dương; hay bài Bình Dương đổi mới (viết theo điệu hát văn) “Ai về thăm đất quê tôi. Bình Dương lộng gió giữa trời mênh mông. Quê tôi mảnh đất anh hùng. Chiến công còn đó lẫy lừng chiến công. Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Tân Uyên. Vùng Tam giác sắt nối liền chiến khu. Bây giờ xanh ngát cao su… Đường thênh thang rợp bóng cờ bay, phố phường mở rộng đẹp thay cuộc đời. Công trường nhà máy khắp nơi, tràn đầy nhựa sống, tiếng cười rộn vang. Đón thành phố Mới Bình Dương…”. Còn khi giã bạn, kết thúc canh hát thì “Ai ngược ra Bắc hay vào Nam, hãy ghé thăm đất lành, Bình Dương, Lái Thiêu vườn cây bốn mùa thơm trái. Thăm chiến khu năm nào còn in trang sử chiến thắng. Với bao tên đất, tên người, vùng Tam giác sắt, Chiến khu Đ hào hùng. Nay đường thênh thang cho bao công trình, hoa đua nở tươi đẹp, rộn vang tiếng máy trên khắp quê hương. Bạn thân yêu ơi, hãy tới quê tôi… Người ơi, người ở, đừng về…” (trích trong bài Bình Dương trong câu hát quan họ).

Một “liền anh” khác cũng có nhiều sáng tác mang âm hưởng quan họ ca ngợi Bình Dương đang được nhiều người yêu thích là Hoàng Minh Tám (Chủ nhiệm CLB văn hóa Kinh Bắc). Trong đó, “Mời anh về Bình Dương”, “Bình Dương vào xuân”, “Về làng tre nghe câu quan họ”… với ca từ mộc mạc, gần gũi được thể hiện qua làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng đã nói lên lòng mến khách của đất và người Bình Dương.

Ngoài 2 tác giả này, ở Bình Dương còn nhiều “liền anh, liền chị” vừa sinh hoạt tích cực trong các CLB thơ ca, vừa góp nhặt những lời thơ, ý nhạc để lưu truyền, quảng bá quan họ, vừa góp thêm cho phong trào nhiều bài hát thể hiện tâm tình của đất và người Bình Dương như một sự tri ân đối với vùng đất được mệnh danh là “đất lành chim đậu” này. Hoạt động sáng tác, cải biên lời mới cho các làn điệu quan họ ở Bình Dương đã góp phần gìn giữ, lưu truyền những nét đẹp truyền thống văn hóa của quê hương Kinh Bắc; bảo tồn và phát triển dân ca quan họ, loại hình nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO công bố là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

THỤC VĂN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên