*Tiếp tục tạm dừng dịch vụ quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp...
(BDO) Trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình “3 xanh ” phải thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Người dân đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi, 1 mũi đủ 14 ngày và F0 khỏi bệnh có giấy chứng nhận sẽ được phép đi đường và buộc quét mã QR tại các địa điểm theo quy định. Tỉnh Bình Dương tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo.
Tiếp tục khóa chặt ”vùng đỏ’, mở rộng ”vùng xanh”
Theo tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tối 1-10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký ban hành Công văn số 4988/UBND-VX về thực hiện kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Từ ngày 1-10, người dân lưu thông cần xuất trình “Giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông” là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày kể từ ngày xuất viện và có giấy chứng nhận hoàn thành việc tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, từ khi xuất viện hoặc đã điêm 2 mũi hoặc tiêm được 1 mũi ít nhất 14 ngày. Đối với người lao động đáp ứng điều kiện lưu thông theo hướng dẫn của ngành y tế thì được phép lưu thông đến làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo mô hình “3 xanh”. Doanh nghiệp phải giới thiệu cho chính quyền địa phương nơi họ cư trú để được xác nhận nhằm phục vụ việc lưu thông. Riêng người lao động ở địa phương TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên khi được tiêm mũi 1 sau thời gian 14 ngày thì được đến làm việc tại “doanh nghiệp xanh” tại 3 địa phương này; khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh thì được lưu thông đến làm việc tại các “doanh nghiệp xanh” ở 6 địa phương còn lại của tỉnh. Người lao động tại 6 địa phương còn lại được đến làm việc tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh. |
Theo đó, chiến lược phòng chống dịch của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới là tiếp tục bao vây thu hẹp, kiểm soát chặt “vùng đỏ”, mở rộng, bảo vệ “vùng xanh”; kiểm soát và ngăn chặn nguồn lây, chuỗi lây nhiễm mới để đưa Bình Dương trở về trạng thái “bình thường mới”; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố để nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi cung ứng lao động.
Trên tinh thần từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm “An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Theo đó, công tác phòng, chống dịch sẽ bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp phòng, chống dịch ở “mức cao hơn”, “sớm hơn” và không được “chậm hơn” khi xử lý tình huống hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp.
Tỉnh tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội phải thận trọng, từng bước, kịp thời xử lý các ổ dịch có thể bùng phát.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình “3 xanh” trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp thì doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ, chủ động trong việc tự mua kit test, tự tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông; chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật đối với kết quả xét nghiệm của từng người lao động trong doanh nghiệp mình; khi phát hiện F0 thì xử lý theo hướng dẫn của ngành y tế; tổ chức xét nghiệm sàng lọc với tần suất, đối tượng thực hiện theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn của ngành y tế.
Doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ” trước khi cho công nhân, người lao động ngừng thực hiện phương án sản xuất này để trở về nơi cư trú thì phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc heo hướng dẫn của ngành y tế, ưu tiên cho công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lại nhà máy.
Về chiến lược điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tới sẽ kết hợp giữa Trung tâm Y tế lưu động với Trung tâm Y tế truyền thống thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường và hỗ trợ điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; tư vấn khám, chữa bệnh; tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm. Tại các khu, cụm công nghiệp phải bố trí các Trung tâm Y tế lưu động, tùy theo số lượng công nhân và số lượng doanh nghiệp để bố trí các trạm y tế phù hợp, tối thiểu mỗi khu 1 trạm được trang bị đầy đủ phương tiện, vật tư, thuốc, đặc biệt là bình oxy y tế để kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh; đồng thời nghiên cứu thành lập “Khoa Covid” tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện thành lập. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc điều trị F0 tại nhà, nhất là tại các khu nhà trọ.
Tiếp tục tạm dừng các hoạt động không thiết yếu
Trở lại trạng thái “bình thường mới” từ ngày 1-10, các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh được khuyến ghị tổ chức từ 80-100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trở lại làm việc. Công chức đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid được đi làm lại và thực hiện test 3 ngày/lần và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các cơ quan, địa phương căn cứ tình hình thực tế phòng, chống dịch tổ chức thực hiện phương thức tiếp nhận và trả kết quả trực tiếp, trực tuyến, qua bưu chính công ích.
Một số lĩnh vực được sẽ được phép hoạt động gồm: Các cơ quan, tổ chức, văn phòng hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn tỉnh; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế công lập, ngoài công lập; hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; các hoạt động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, đám tang, đám cưới.
Tiếp tục tạm dừng gồm hoạt động kinh doanh, dịch vụ như: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; bán hàng rong, vé số dạo.
Bảo đảm lưu thông hàng hóa giữa các vùng
Việc lưu thông nội tỉnh thực hiện theo phương án giữa các huyện thuộc “vùng xanh” gồm: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên thì người và các phương tiện giao thông lưu thông bình thường, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 giữa 2 địa phương. Thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát tổ chức lưu thông liên phường trong nội bộ của từng địa phương.
Riêng 3 địa phương “vùng đỏ” TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên tổ chức giao thông theo tinh thần “an toàn đến đâu, mở rộng lưu thông đến đó”, từ phạm vi nội bộ khu phố, đến liên khu phố, đến phường, đến liên phường. Căn cứ tình hình diễn biến dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của 3 địa phương này quyết định phương án lưu thông trong nội bộ từng địa phương. Giao thông liên huyện giữa các địa phương căn cứ tình hình, diễn biến dịch thực tế tại các địa phương; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sẽ cho ý kiến trước khi tổ chức thực hiện.
Sở Giao thông vận tải tỉnh đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa Bình Dương với các tỉnh, thành phố được thuận lợi, đáp ứng phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, đường bộ, đường thủy theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải và quy định của Bộ Y tế. Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên thực hiện công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh; tổ chức vận chuyển, đưa đón người lao động và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương; hoạt động của người vận chuyển hàng hóa bằng xe máy của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thực hiện theo hướng dẫn của UBND cấp huyện. Tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh, thành phố, tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
Minh Duy