Nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong điều kiện “bình thường mới”, tỉnh đã gấp rút triển khai thực hiện hệ thống quét mã QR để quản lý và truy vết dịch bệnh. Đến nay, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân đã và đang đồng loạt thực hiện quét mã QR. Theo ghi nhận của phóng viên, các tổ chức và người dân đều đồng thuận hưởng ứng thực hiện nội dung này.
Làm quen… quét mã QR
Tại TP.Thủ Dầu Một, sáng 30-9, nhiều cửa hàng, quán ăn dọc các tuyến đường Huỳnh Văn Lũy (phường Phú Lợi), đường Lê Hồng Phong (phường Phú Hòa) đã treo biển có mã QR ngay trước cửa ra vào để phục vụ người dân thực hiện quét mã QR khi đến mua hàng. Tại quán cơm tấm Nguyên Bảo, số 356 đường Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, dù chủ quán đã dán tờ giấy A4 có mã QR ngay trên tủ kính để thực phẩm nhưng rất ít người quét. Ông Giang Ngọc Nguyên, chủ quán cơm tấm Nguyên Bảo cho biết: “Sau khi tải ứng dụng và khai thông tin để lấy mã QR, tôi ra hiệu photocopy in ra giấy. Qua 2 ngày thực hiện, nhiều người đến mua cơm vẫn chưa quen với việc quét mã QR, chúng tôi nhắc nhở thường xuyên. Cũng có người khi đi mua cơm không mang điện thoại, có người không dùng điện thoại thông minh nên không thể quét mã”.
Người dân đã thực hiện quét mã QR khi đến các cửa hàng
Các cửa hàng tạp hóa trên đường Huỳnh Văn Lũy (phường Phú Lợi) ngoài việc treo biển có mã QR để phục vụ người dân khi đến mua hàng, chủ cửa hàng còn cẩn thận ghi chú thêm mật khẩu wifi để phục vụ nhân dân quét mã không bị gián đoạn trong trường hợp điện thoại hết dung lượng 4G. Anh Mai Thanh Bình, chủ một tiệm tạp hóa tại đây cho biết: “Hàng ngày, cán bộ phường xuống kiểm tra rất nghiêm ngặt. Những ai đến mua hàng không quét mã hoặc quên không mang điện thoại chúng tôi ghi lại thông tin và số điện thoại người đó vào sổ để thông tin với phường”.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND phường Phú Lợi cho biết, phường đã cử cán bộ đến từng nhà, từng hộ kinh doanh, trực tiếp phát tờ rơi và hướng dẫn người dân các bước thực hiện quét mã QR. “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, lập biên bản xử lý nghiêm các địa điểm kinh doanh, nơi tập trung đông người, khu nhà trọ, khách sạn… không đăng ký thiết lập “điểm kiểm dịch” để quản lý và kiểm soát người ra, vào bằng cách quét mã QR gắn với thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế”, ông Vũ nói.
Siết chặt quản lý
Tuy là địa bàn “vùng xanh” của tỉnh, huyện Dầu Tiếng vẫn duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế và đẩy mạnh tuyên truyền người dân quét mã QR. Ông Đặng Minh Phước, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng cho biết, huyện đã yêu cầu các cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện trang bị máy quét mã QR để phục vụ phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo các tổ Covid cộng đồng cấp xã, ấp đến từng nhà dân hướng dẫn và cài đặt ứng dụng kiểm soát dịch bệnh. Khi mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại “bình thường mới”, huyện bắt buộc người dân phải quét mã QR mỗi khi ra đường. Trường hợp người dân không sử dụng điện thoại thông minh thì nhờ người khác khai báo hộ hoặc khai báo bằng bản giấy.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các khu, cụm công nghiệp khi các doanh nghiệp trở lại sản xuất, phục hồi kinh tế, tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, trong đó bắt buộc phải thực hiện nghiêm quét mã QR. Công ty Cổ phần Bê tông Terra Yamaken, Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (TP.Thủ Dầu Một) có khoảng 200 công nhân lao động. Theo phương án đã đăng ký, ngày 1-10, toàn bộ công nhân công ty đều trở lại nhà máy làm việc theo phương án “3 xanh”. Bên cạnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, công ty cũng đầu tư thêm máy quét QR để phục vụ công nhân khai báo y tế điện tử hàng ngày tại nhà máy.
Ông Nguyễn Thế Thiện, Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông Terra Yamaken cho biết: “Hiện nay, ngoài khu vực cổng nhà máy đã được dán mã QR. Thông qua nhóm Zalo, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền cho công nhân tiếp tục duy trì thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế; tải ứng dụng và thực hiện quét mã QR hàng ngày khi đến làm việc hàng ngày. Nhận thấy tiện ích của ứng dụng QR code, đa số công nhân đều đồng tình hưởng ứng vì không mất nhiều thời gian như khai báo y tế thủ công trước đây”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Đến thời điểm này, Bình Dương cơ bản đã ứng dụng hiệu quả nhiều giải pháp công nghệ để phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước khi tỉnh nhà trở về trạng thái “bình thường mới”, ngành đã gấp rút tổ chức tập huấn các địa phương và doanh nghiệp quét mã QR bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Điều quan trọng nhất là mọi tổ chức, cá nhân cần chủ động khai báo y tế, quét mã QR để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh”.
Cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc triển khai ứng dụng khai báo y tế bằng mã QR sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực. Do đó, mỗi người dân hãy chủ động quét mã QR và khai báo y tế trung thực, hạn chế tập trung đông người khi không cần thiết, đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
THU HƯỜNG