Tình hình dịch sởi ở cả bệnh nhân (BN) là người lớn khiến nhiều người lo lắng. Bởi họ đều đang trong độ tuổi lao động, nhiều người là những lao động chính trong gia đình. Đáng quan tâm hơn, không ít những ca sởi người lớn trở nặng do có biến chứng.
Trong số 17 BN là người lớn mắc sởi đang điều trị ở khoa Nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều người phải kê giường nằm ở khu vực hành lang. E ngại lây bệnh là điều chúng tôi ghi nhận được từ những người chăm bệnh ở các khoa khác. Mẹ của BN Nguyễn Hoàng Nhu, 23 tuổi, nhà ở TX.Thuận An lo lắng, nói: “Tôi không ngờ con tôi lớn vậy vẫn còn mắc sởi. Vào đây chăm sóc con càng lo hơn khi biết đây là bệnh dễ lây. Cả nhà lo thay nhau đi viện nên công việc cũng ảnh hưởng nhiều”. Gần đó, các BN Nguyễn Duy Quyến (TX.Tân Uyên), Nguyễn Thị Hồng Nguyên (TX.Bến Cát) cũng nổi ban toàn thân với những vết đỏ. Trong số các BN là người lớn ở khoa Nhiễm, hầu hết là những ca nặng chuyển sang đỏ mắt do viêm kết mạc, ho nhiều do viêm phổi. Nhiều BN còn nóng sốt nên bác sĩ phải theo dõi thường xuyên.
Bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Nhiễm cho biết các BN được các khoa khám bệnh từ ngoại, nội, tai mũi họng của bệnh viện khi nghi ngờ sởi đã cho chuyển xuống khoa Nhiễm để theo dõi, điều trị. Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2 - 3 ngày sau, đốm đỏ trên da xuất hiện. Đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao. Những mảng đỏ nổi lên thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể dần lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước. Các BN nội trú ở đây được điều trị để hạ sốt, an thần, uống thuốc kháng sinh để giảm ho, nhỏ mắt, mũi… Các BN mắc bệnh sởi nặng đang điều trị cũng được khuyến cáo ở lại bệnh viện cho hết thời gian có thể lây nhiễm bệnh cho người khác mới được xuất viện.
QUỲNH NHƯ