Người thành công với mô hình kinh tế tổng hợp

Cập nhật: 04-04-2013 | 00:00:00

Nông dân Võ Hiếu Trung, ngụ ấp An Phú, xã An Sơn, TX.Thuận An bước đầu đã thực hiện thành công mô hình trồng lan và nuôi cá đĩa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có được thành công đó là nhờ sự đam mê học hỏi để vượt qua đói nghèo của chính bản thân ông Trung.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất có truyền thống trồng các loại cây ăn trái đặc sản nên ông Trung cũng đang sở hữu vườn măng cụt đang cho thu hoạch. Để cải thiện thêm thu nhập, ông Trung còn trồng xen canh vào vườn măng cụt một số loại cây khác như nhãn, chuối, tắc, bưởi... Tuy nhiên, cây măng cụt cho thu nhập không ổn định vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả thị trường. Ông Trung cho biết, nếu được mùa, được giá thì vườn măng cụt cũng chỉ có thể cho thu nhập đủ sống chứ không thể làm giàu. Là một nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, ông Trung luôn suy nghĩ nhằm tìm ra mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao lại phù hợp với điều kiện của gia đình là ít đất sản xuất.  

 Mỗi năm ông Trung thu về hàng chục triệu đồng từ vườn lan nhỏ của gia đình

Năm 2012, được sự hỗ trợ về giống của Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông TX.Thuận An, ông Trung bỏ vốn đầu tư xây dựng mô hình trồng lan mokara và nuôi cá đĩa. Thử sức ở những mô hình mới, bước đầu ông cũng gặp không ít khó khăn do thiếu các kiến thức thực tế về trồng lan và nuôi cá. Miệt mài tìm kiếm kinh nghiệm trồng lan, nuôi cá đĩa qua nhiều kênh thông tin khác nhau như tài liệu, báo chí… ông vẫn không thể thực hiện thành công với mô hình đã chọn. Để có kinh nghiệm thực tế, ông Trung bỏ công lặn lội đến 20 vườn trồng lan tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để học. Dẫu vậy, kinh nghiệm của mỗi chủ vườn đều khác nhau và rất ít người tận tình chia sẻ kinh nghiệm mà họ đã đúc kết được!

Từ thực tế học hỏi và tài liệu tham khảo, ông Trung tự đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình để áp dụng những gì đã học, đã biết. Với 80m2 đất có thể trồng lan, ông bỏ ra 20 triệu đồng để xây dựng mô hình và đầu tư thêm 20 triệu đồng để nuôi cá đĩa. Từ bài học thất bại và lòng quyết tâm cao, bước đầu ông Trung đã thực hiện thành công cả 2 mô hình nói trên. Hiện vườn lan của ông Trung đã cho thu hoạch và đàn cá dĩa của ông cũng đã bắt đầu sinh sản. Ông Trung chia sẻ: “Đến lúc này tôi có thể tự tin cho rằng sự lựa chọn mô hình của mình là đúng. Đây là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu xét trên diện tích sản xuất và số vốn bỏ ra”. Tuy đã có những thành công bước đầu, nhưng ông Trung vẫn khiêm tốn khi cho rằng mình mới chỉ nắm được khoảng 60 - 70% các kỹ thuật trồng hoa lan, nuôi cá đĩa.  

 Mô hình nuôi cá đĩa của ông Trung hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập cao trong thời gian tới

Theo tính toán của ông Trung, trồng hoa lan khoảng 8 tháng là có thu hoạch. Với khoảng 500 chậu lan, cứ 7 - 10 ngày cắt bông một đợt, một cây lan có thể cho 12 bông/năm. Giá bán 10.000 đồng/bông, mỗi năm ông Trung thu về khoảng 50 triệu đồng từ vườn lan. Ông Trung chia sẻ, khâu khó nhất trong việc trồng lan chính là nghệ thuật bón phân. Nắm chắc khâu này sẽ có các chậu lan khỏe cho hoa đẹp. Nhiều người trồng lan thường gặp khó khăn ở khâu này vì đòi hỏi phải có thời gian học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sản xuất. Còn về đầu ra cho hoa lan thì không phải lo vì hoa lan dễ thu hoạch, dễ bảo quản và để được lâu, trong khi sức tiêu thụ của thị trường đang rất mạnh.

Đối với mô hình nuôi cá đĩa, ông Trung cho hay trồng lan đã khó nhưng nuôi cá đĩa còn khó hơn cả trồng lan. Hiện tại, ông Trung là người duy nhất tại An Sơn thực hiện thành công mô hình nuôi cá đĩa. Ngoài nguồn nước phù hợp, khâu khó nhất để thành công với mô hình nuôi cá đĩa chính là làm sao cá con mới đẻ có thể bám theo cá mẹ, nếu không chúng sẽ chết. Hiện tại, những con cá đĩa ông Trung đã sinh sản và ông khẳng định đã nắm chắc khâu khó nhất này. Cá đĩa nếu nuôi thành công sẽ cho nguồn thu gấp nhiều lần so với trồng lan vì mỗi lứa cá đĩa đẻ hàng trăm trứng, giá cá bột là 3.000 đồng/con; cá con 1 tháng tuổi là 15.000 đồng/con.

Theo ông Trung, để có thể thành công với các mô hình trồng lan và nuôi cá đĩa đòi hòi người nông dân phải có lòng đam mê, sự quyết tâm và phải biết thường xuyên học hỏi để đúc kết kinh nghiệm thực hiện mô hình.

CAO SƠN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=240
Quay lên trên