Người thầy khai sinh lớp tiếng Chăm

Cập nhật: 21-10-2011 | 00:00:00

Dù bận rộn với công việc gia đình nhưng thầy Kho Sanh (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) vẫn dốc hết tâm trí, sức lực để mở và duy trì lớp dạy tiếng Chăm cho trẻ em người dân tộc trong làng. Qua đó, mong muốn các em có thể lưu giữ tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tự nguyện làm thầy

“Nhiều lần đến thăm nhà các bạn, tôi hỏi thăm con các bạn bằng tiếng Chăm nhưng các cháu lại trả lời bằng tiếng Việt. Thấy cảnh đó, tôi hỏi thêm vài câu, các cháu vẫn đáp lại bằng tiếng Việt. Hỏi ra mới biết các cháu đi học nói bằng tiếng Việt nên về nhà vận dụng luôn vốn tiếng Việt mà quên đi ngôn ngữ Chăm. Do đó, tôi luôn tự suy nghĩ nếu không có lớp dạy viết, đọc tiếng Chăm, thử hỏi những thế hệ trẻ có còn yêu ngôn ngữ ông bà xưa đã để lại”, thầy Kho Sanh kể. Cũng từ những trăn trở đó, năm 1998 thầy đã bắt đầu mở lớp dạy chữ Chăm cho 20 em học sinh người đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn xã Minh Hòa. Được biết, thầy từng được học tiếng Chăm ở Châu Đốc (An Giang) hơn 10 năm. Thầy cùng gia đình đến xã Minh Hòa (Dầu Tiếng) mưu sinh vào những năm 1980, thời điểm đó người Chăm có hơn 30 hộ dân, sống tập trung lại một điểm. Vì vậy, được người dân xung quanh ưu ái gọi vùng đất thiêng người Chăm chọn dừng chân này là “Làng Chăm đạo Hồi”.

 Lớp tiếng Chăm hiện nay tại “Làng Chăm”

Thầy khiêm tốn kể: “Trong xã chỉ có lớp dạy tiếng phổ thông thôi, không có lớp dạy tiếng Chăm. Mình biết tiếng Chăm nên dạy học cho các em thứ tiếng mà mình biết. Nếu mình không dạy, các em chỉ biết đọc mà quên đi cái mặt chữ. Phải tìm cách dạy và bảo tồn tiếng của dân tộc cho các em thôi.

Với cơ sở vật chất thiếu thốn, thầy đã chọn căn nhà nhỏ của mình làm nơi dạy học. Ban ngày thầy phụ giúp gia đình làm kinh tế và để các em đi học phổ thông, đêm đến bên ngọn đèn dầu le lói thầy cùng các trò luyện từng nét chữ Chăm. Thầy chia sẻ, thầy được may mắn vừa là thầy giáo “bất đắc dĩ” vừa giảng giáo lý cho người dân nên việc động viên mọi người đưa con em đi học chữ Chăm dễ dàng. Mỗi tối thứ sáu trước khi bắt đầu bài giảng thầy đều nhắc nhở mọi người phải biết lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Con cháu mai sau không biết chữ Chăm là vi phạm đạo đức làm người, phải cho con đi học để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, phải giáo dưỡng đạo lý để giữ tính nết thật thà, ngay thẳng cho tương lai... Từ đó, phụ huynh các em hiểu và tích cực động viên con em theo học.

Niềm tự hào của người thầy

Tuy được gọi là “thầy” nhưng thầy Kho Sanh dạy không lương. Theo thầy dạy cho các em là trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân. “Mình dạy hơn 10 năm rồi. Hàng năm chỉ có ngày Tết Rammadan phụ huynh các em mang gạo, khoai, sữa, đường đến biếu cho thầy”, thầy tâm sự. Tuy vất vả, nhưng thầy chưa bao giờ cho các em nghỉ học một buổi nào, bởi đã chấp nhận làm thầy là phải dạy cho tốt và phải dạy thường xuyên, đều đặn để tạo một thói quen cho các em tới lớp. Để các em có sách, vở, kinh Koran học tập, thầy đã đi vận động sự hỗ trợ ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Được sự quan tâm hỗ trợ của mọi người, em nào đến lớp cũng có tập, sách, bữa nào học xong các em đều được thầy tặng cho cây kẹo, cái bánh.

 Thầy Kho Sanh nghiên cứu sách để dạy các trò

Với sự cần mẫn, chịu khó của thầy, hiện nay tất cả mọi người ở “Làng Chăm  đạo Hồi” đều biết viết, đọc. Không phụ công thầy, sau những đêm dài miệt mài bên ánh đèn, nhiều học trò của thầy đã khôn lớn, giỏi giang, có công ăn việc làm và còn phụ thầy dạy lại cho các em”.

Do phải lo công việc gia đình và thánh đường nên từ năm 2006 đến nay, thầy đã giao lại lớp cho người khác. Hiện nay lớp tiếng Chăm của thầy Kho Sanh đã có lớp học riêng tại ngôi trường nhỏ trong làng, ngày dạy 2 buổi sáng - chiều với hơn 30 em học sinh. Tuy lớp đã chuyển sang trường học gần 5 năm nhưng trong căn phòng khách nho nhỏ của nhà thầy vẫn giữ nguyên chiếc bảng đen, những viên phấn trắng và dòng chữ ngày tháng.

Tại lớp học tiếng Chăm của thầy Kho Sanh, nơi đây không những dạy chữ mà còn là nơi “thắp sáng”, định hướng ước mơ cho các em. Đồng thời vun đắp đạo lý, đạo đức làm người để các em khi lớn lên có thể trở thành một người con ngoan, người con ưu tú của làng, người có ích cho xã hội. Cũng từ những “vun bón” đạo lý ban đầu mà “Làng Chăm” không xảy ra trường hợp trộm cắp, đánh nhau hay tệ nạn xã hội nào. “Dạy học không chỉ dạy đọc, dạy viết mà còn phải dạy đạo lý làm người cho các em, bởi mọi người ai cũng biết “Tiên học lễ, hậu học văn”, phải biết đạo lý con người mới cố gắng vươn lên và trở thành người tốt”, thầy Kho Sanh tâm sự.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=396
Quay lên trên
X