Với chất giọng trầm mùi, Nguyễn Kim Phượng (sinh năm 1975, phường Phú Lợi, TP.TDM) đã chinh phục khán giả cũng như Ban giám khảo Liên hoan Đờn ca tài tử - Cải lương (ĐCTT-CL) tỉnh Bình Dương năm 2014 với bài Vọng chinh phu và xuất sắc đoạt giải nhất ở thể loại vọng cổ nhịp 16.
Kim Phượng với bài “Nước biển mưa nguồn” trong Hội thi Hát ru - Hát dân ca TP.TDM năm 2014. Ảnh: M.HIẾU
Kim Phượng sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu thích đờn ca từ bé, nhưng vì không có điều kiện nên chỉ bật radio nghe nghệ sĩ hát, rồi hát theo cho thỏa lòng mà thôi. Mãi đến khi gặp anh Phan Hoài Thanh (chồng chị), một thành viên tích cực của CLB ĐCTT phường Phú Lợi, Kim Phượng mới có dịp tìm hiểu về những cái hay, nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian hấp dẫn này.
Nhớ lại những ngày đầu mới học ca, Kim Phượng chia sẻ: “Nghe và hát theo nghệ sĩ trên đài thì thấy đơn giản, nhưng khi học và tìm hiểu mới thấy ĐCTT vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học, càng học càng thấy thâm thúy và mê say”.
Trải qua 6 năm học tập và rèn luyện, đến nay Kim Phượng đã hát rất ngọt và mùi mẩn những bài oán, nhất là những bài Giang Nam, Phụng Hoàng, Nam Ai, hoặc bài vọng cổ nhịp 32 về tình mẹ như “Nước biển mưa nguồn”, vọng cổ nhịp 16 về tâm sự của người thiếu phụ như bài “Vọng chinh phu”… và đoạt nhiều giải thưởng cao trong các sân chơi nghệ thuật quần chúng của TP.TDM.
Với Kim Phượng, ĐCTTNB là niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt và luôn mong muốn được học hỏi, tìm hiểu sâu hơn, ngày càng được nhiều người biết đến và ngày càng có nhiều sân chơi để mọi người được giao lưu, gặp gỡ, trau dồi nhiều hơn về kinh nghiệm ca diễn.
Chia sẻ về niềm vui khi đoạt giải nhất tại Liên hoan ĐCTT-CL cấp tỉnh, Kim Phượng bộc bạch: “Khi nhận được giải thưởng, mình vui mừng và thầm cảm ơn thầy Minh Ngọc (Chủ nhiệm CLB ĐCTT TP.TDM) và cô Kiều My đã chỉ dạy tận tình. Nhờ thầy cô hướng dẫn từng chữ, từng câu, cách luyến láy, phát âm mà mình có thể ca tròn vành rõ chữ, chuyển tải hết tâm tư tình cảm của bài hát đến người nghe một cách thành công như vậy”.
THỤC VĂN