Nhà báo trẻ cần tiếp tục ra sức rèn luyện

Cập nhật: 20-06-2015 | 08:14:02

“Đối với những người viết báo, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết”. Đó là phương châm, tôn chỉ, mục đích của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ khi Người trực tiếp thành lập tờ báo Thanh Niên năm 1925. Thực hiện lời dạy của Bác, nhiều thế hệ làm báo trong tỉnh đã sẵn sàng xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng trong những năm tháng đấu tranh gian khổ và trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.

Nhà báo chiến trường - “cầm bút là cầm vũ khí”

Trong cuộc chiến đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, nhiều thế hệ người làm báo trong tỉnh đã bắt đầu xung trận trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Mặc dù bước đầu thời khai sơ, thiếu thốn phương tiện tác nghiệp nhưng những người cầm bút đã nâng cao bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp của người cầm bút: Viết cho ai, viết cái gì,viết để làm gì? Họ luôn bám sát tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng trong công tác vận động quần chúng tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành những chiến thắng vẻ vang. Đối với những người làm báo thời chiến tranh, cầm bút là cầm vũ khí.

Các thế hệ làm báo tỉnh Bình Dương hôm nay vẫn đang tiếp tục phát huy truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thay mặt lãnh đạo tỉnh trao tặng bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Hội Nhà báo tỉnh tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh lần thứ VI năm 2015. Ảnh: HỒ VĂN

Trò chuyện với chúng tôi, Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương kể: Trong đời làm báo của mình, tôi nhớ nhất là thời điểm trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh. Lúc đó, tôi là phóng viên duy nhất của Việt Nam có mặt tại đây. Sau khi truyền tác phẩm: “Những hình ảnh đáng ghi nhớ tại sân bay Lộc Ninh”, trong đó có vài chi tiết đầy tính chiến đấu và tinh thần chiến thắng của quân và dân ta như: Nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng và các đồng đội, cũng như đồng bào Lộc Ninh nhanh chân ôm chặt lấy người thân trở về, trong niềm vui nước mắt giàn giụa. Khi bài viết được phát sóng trên Đài Phát thanh Giải phóng được trực tiếp qua hệ thống loa công cộng, một trung úy của chính quyền Sài Gòn cùng đi trên chiếc máy bay này đã đi lại vỗ vai tôi nói: “Các anh đưa tin nhanh quá, thế là các anh đã chiến thắng toàn diện”.

Qua câu chuyện của nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, chúng ta có thể khẳng định, dù bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào, những người làm báo chí cách mạng cũng luôn tiên phong, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Tâm sự với chúng tôi, nhiều nhà báo lão thành như ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng Biên tập báo Sông Bé, ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Bình Dương đều cho rằng, trong giai đoạn lịch sử làm báo của họ, người làm báo chỉ có một ý nguyện duy nhất là ra trận chiến đấu vì lý tưởng cách mạng cao cả với mục tiêu duy nhất là phải tuyên truyền nhằm mục đích giải phóng dân tộc. Vì vậy, khi quyết tâm ra chiến trường “tác chiến”, những người làm báo đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý hy sinh cho Tổ quốc chứ không hề nghĩ đến những lợi ích riêng tư.

Nhà báo trẻ cần rèn luyện, trau dồi phẩm chất

Đối với các nhà báo lão thành, họ đã không ngại khó, ngại gian khổ dù là mưa bom bão đạn để tiếp cận thông tin, nắm lấy thông tin định hướng dư luận. Đó là trách nhiệm cao cả của người cầm bút. Trong suốt quá trình lịch sử của hoạt động báo chí trong tỉnh, họ đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và cả công tác “binh địch vận”, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của quân và dân ta, giảm bớt tiếng súng, giảm bớt sự đau thương, mất mát nhưng ta vẫn giành chiến thắng. Họ thật sự là những chiến sĩ xông pha trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, luôn vinh quang và tự hào.

Tiếp tục phát huy truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm của người làm báo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, các thế hệ người làm báo trong tỉnh đã ngày càng trưởng thành trong hoạt động báo chí, bám sát định hướng chính trị- tư tưởng; tích cực, chủ động và có nhiều sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền. Đây cũng là một ưu điểm mà các nhà báo trẻ cần phát huy, nhất là việc làm chủ công nghệ, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để tiếp cận và thực hiện lĩnh vực báo chí đa phương tiện, một trong những bước đi đúng hướng của báo chí hiện đại, báo chí thời đại công nghệ thông tin. Rất nhiều nhà báo trong tỉnh khi nói về nghề nghiệp đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vai trò báo chí thời hiện đại cần bản lĩnh hơn, nhanh hơn, để thông tin kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Nhắn nhủ với những người làm báo trẻ trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Trung Hiếu nói: “Tôi cho rằng, lớp người làm báo trẻ hôm nay năng động, sáng tạo, được đào tạo bài bản hơn so với thời chúng tôi, nhưng cái yếu và thiếu là tinh thần tập thể và đôi khi còn có biểu hiện thiếu phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo cách mạng chân chính. Đâu đó vẫn còn có những phóng viên lợi dụng báo chí để làm những điều vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Đây dù chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng tôi thấy rất đau lòng…”.

Theo nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, để xứng đáng là những thế hệ làm báo chí cách mạng, những người làm báo trẻ trong tỉnh hôm nay cần phải cố gắng phát huy tinh thần cách mạng cao cả của báo chí cách mạng, giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ đồng bào mình tận tâm, tận lực. Cần có nhiều bài báo tuyên truyền về lối sống gần dân, hiểu dân, thương dân để tạo niềm tin, cầu nối giữa Đảng với nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Các nhà báo trẻ cần phải tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trau dồi kiến thức thường xuyên để tiếp tục xứng đáng là người làm báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=529
Quay lên trên