Nhà báo và những suy ngẫm

Cập nhật: 15-06-2015 | 08:55:12

 LTS: Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), bắt đầu từ số báo này, chuyên đề Văn nghệ báo Bình Dương xin giới thiệu đến quý độc giả một số tác giả viết về mảng văn nghệ mà ít khi họ xuất hiện, chỉ thổ lộ, gửi gắm qua các tác phẩm của mình trên mặt báo...

Bài 1: Bùi Nhựa: Bản chất của nghệ thuật là khơi gợi cảm xúc

Ngồi tiếp chuyện ông bên giường bệnh sau tai nạn giao thông cách đây hơn 1 tháng, tôi không nhìn thấy ở con người này biểu hiện của sự đau đớn. Thay vào đó, cái mà tôi cảm được, nhìn được và nghe được là một tình yêu cháy bỏng dành cho đời và đặc biệt là cho thơ văn. Ở con người ông còn luôn toát lên sự lãng mạn của một thi sĩ. Ông chính là nhà văn - nhà thơ Bùi Hải Phong, hay Bùi Nhựa. 

Tốt nghiệp khóa 4 trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1965, ông tham gia dạy học ở Thái Bình những năm 1965 đến 1972. Hòa cùng khí thế của cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, ông tham gia chiến trường B tại Đông Nam bộ từ năm 1973 đến 1975. Sau giải phóng, ông đã bén duyên rồi gắn bó cùng mảnh đất Sông Bé và tiếp tục sự nghiệp dạy học, viết văn, làm thơ.

Bùi Hải Phong và những tập thơ mới

Từ năm 1975, tại tờ tạp san Văn hóa do Sở Văn hóa Sông Bé chịu trách nhiệm xuất bản, Bùi Hải Phong cùng với những cây bút như Ngọc Am, Phan Hai, Tiến Đường, Trần Xuân Lý, Từ Nguyên Thạch… đã tạo nên một sân chơi bổ ích cho những người yêu văn thơ. Đó là đất để họ được trải lòng qua các tác phẩm văn học, được sống thật với “nàng thơ” của mình. Mãi đến năm 1986, Hội Văn học Nghệ thuật Sông Bé mới được thành lập và tờ tạp san Văn hóa chuyển thành tạp chí Văn nghệ Sông Bé, một sân chơi lớn dành cho mọi người yêu văn học, say mê viết lách.

Bằng vốn sống và tình yêu dành cho văn học, các bài viết, nghiên cứu về văn hóa lịch sử của Bùi Hải Phong xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn nghệ, nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín khác như: Sài Gòn Giải Phóng, Nhân Dân, tạp chí Nghiên cứu lịch sử Xưa và Nay… Đặc biệt trong số báo Nhân Dân phát hành ngày 6-1- 1995, nhân kỷ niệm giải phóng thị xã Phước Long, bài “Phước Long mùa xuân về” của Bùi Hải Phong được đăng trịnh trọng ngay trên trang nhất. Với một người viết lách như ông, đó quả là niềm hạnh phúc, niềm vui lớn.

Bên cạnh những bài viết, nghiên cứu sâu về văn hóa và lịch sử Bình Dương, Hải Phong còn thả hồn cùng “nàng thơ” một cách nồng nàn. Trong thơ, Bùi Hải Phong lấy bút danh là Bùi Nhựa. Thơ của Bùi Nhựa thiên về cái đẹp, cái “duy mỹ”. Qua những tập thơ đã in như: “Thơ cho người đang yêu”, “Cầu vồng thu”, “Trăng và xưa và nay và những con đường” hay “Mềm như trăng một nửa”… Bùi Nhựa có một sự khẳng định rất rõ ràng: “Thơ của ông tôn thờ những giá trị cuộc sống, giá trị con người, tôn thờ cái đẹp. Và cái đẹp đó là chủ đích của sáng tạo”. Chính vì thế thơ của Bùi Nhựa có nội dung, có luận đề, có sự tìm kiếm tỉ mỉ trong từ ngữ, trong câu tứ; có đa dạng trong thể loại, trong cách biểu hiện. Những vần thơ mang bút danh Bùi Nhựa luôn biết vươn tới những cái hay cái đẹp trong sáng tạo văn chương, nghệ thuật… Thơ của Bùi Nhựa là một quá trình sáng tạo cực kỳ vất vả để mang đến cho đời những cảm xúc chân thật nhất.

Như tác giả đã chia sẻ “bản chất của nghệ thuật là tạo cho con người ta cảm xúc thật nhất”. Vì thế, cũng dễ khi một tác phẩm đến với công chúng thì sẽ có người thích, có người không. Quan trọng là trong những tác phẩm ấy, người viết biết gửi trọn tâm hồn của mình vào sáng tạo nghệ thuật, để cùng những người yêu mến mình được thăng hoa.

Trò chuyện cùng Bùi Nhựa, ông không nói nhiều đến những giải thưởng hay về những chiến công. Nhưng tôi biết ông từng nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Với nghề, 2 lần ông vinh dự nhận giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần 2 (1995-2000), lần 4 (2005-2010) do hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương trao tặng…

Dù đã ngoài 70 tuổi, ngòi bút của Bùi Nhựa vẫn còn sắc bén và nồng nàn. Nằm trên giường bệnh, ông vẫn hăm hở giới thiệu với tôi về tác phẩm “Trường ca Hồ Chí Minh” với đầy đủ thân thế, cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác. Tác phẩm gồm 5 phần: Quê hương tuổi thơ, Nỗi đau mất nước - Quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, Tuyên ngôn độc lập - Kháng chiến cứu nước, cứu nhà; Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam và cuối cùng là Vĩ thanh. Đoạn cuối của trường ca tác giả đã viết: “Không gì quý hơn độc lập tự do/ Giang sơn lấp lánh màu cờ Việt Nam/ Lá cờ từ thuở lầm than/ Đã tung bay giữa tuyên ngôn sáng ngời/ Về đây vang vọng đất trời/ Lẽ Non nước - Lẽ Dân người Việt Nam!/ Người người ơn Bác giang sơn/ Đất này quyết giữ vững bền quê hương!”.

Điều khiến tôi quý mến nhất ở con người này ngoài cái tài văn thơ, còn có sự yêu đời, lạc quan. Tâm thế sống ấy được ông lan tỏa đến cộng đồng qua những áng thơ, bài văn. Chúng như những bức thông điệp, nhắn nhủ đến cuộc đời rằng hãy biết sống tích cực, biết lạc quan, biết chấp nhận và biết thay đổi để hướng đến cuộc sống chân - thiện - mỹ.

Bài 2: Nhà báo trẻ Đặng Ngọc Quý: Những chuyến đi trải nghiệm

SONG ANH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=695
Quay lên trên