Nhằm xoa dịu nỗi đau cũng như hàn gắn lại vết thương của chiến tranh, một chương trình hết sức nhân văn mà Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện từ năm 2012. Đó là chương trình “Trở về từ ký ức”, được rất nhiều khán giả, người thân của các liệt sĩ dõi theo và ủng hộ. Trong chương trình đó, một nhạc sĩ (NS) (nhà giáo) gốc Bình Dương đã góp phần làm lay động thêm cảm xúc cho mỗi cuộc đoàn viên, hay như tiếp thêm niềm tin trong mỗi cuộc kiếm tìm bằng chính cảm xúc riêng của mình. Đó là NS Phạm Minh Thuận với “Tiếng gọi từ trái tim” và “Hoa gạo đỏ màu hoàng hôn”.
NS Phạm Minh Thuận (thứ 5 trái sang) cùng tham gia sáng tạo thực tế tại TX.Tân Uyên tháng 7-2016 Ảnh: S.ANH
Tên tuổi của NS Phạm Minh Thuận được nhiều người nhớ đến không chỉ đa dạng về đề tài, phong phú trong giai điệu, tiết tấu mà anh còn tham gia sáng tác hết sức tự nguyện trong những chương trình đầy tính nhân văn. Trong đó, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” anh đã đóng góp 2 ca khúc: “Không còn những cuộc chia ly” và “Ơi những điều kỳ diệu”. Cảm xúc của những cuộc trở về sau bao năm xa cách đã được anh đẩy lên tột đỉnh khiến người theo dõi chương trình cũng hạnh phúc theo những cuộc đoàn viên. NS Phạm Minh Thuận đã từng chia sẻ với chúng tôi, tất cả những việc làm của mình nếu xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim, đó chính là cách mà anh đã cho ra đời những tác phẩm của mình.
Trong những ngày tháng 7 này, theo chân lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Dầu Tiếng, chúng tôi hiểu thêm giá trị cũng như trách nhiệm của mình với quê hương. Xót xa lắm cho những gia đình vẫn đang cố gắng kiếm tìm người thân sau hơn 40 năm đã hy sinh cho Tổ quốc. Bật ti vi trong chương trình “Trở về từ ký ức”, chúng tôi lại được nghe 2 ca khúc của NS Phạm Minh Thuận làm cho sự xót xa ấy nhân lên gấp bội. Với “Tiếng gọi từ trái tim” nhạc sĩ đã thay bao người nói lên nỗi lòng của mình trong sự chờ đợi cháy bỏng, ngày trở về của các anh “Thời gian, tóc mẹ giờ bạc trắng hoa cau. Nơi con nằm, mẹ biết tìm đâu? Nước mắt khô, tháng ngày héo sầu? Chờ con về trong nắm đất sâu. Con hãy về. Con hãy về, con ở nơi đâu?”. Qua giọng ca ngọt ngào, đầy tình cảm và sâu lắng của ca sĩ Mỹ Dung đã làm cho chúng tôi không khỏi suy nghĩ bằng chính câu hỏi nhẹ nhàng mà vô cùng đau xót của NS Phạm Minh Thuận: Con hãy về, con hãy về, con ở nơi đâu?
Tình cờ, chúng tôi được chuyện trò với thân nhân của các liệt sĩ từ miền Bắc thân thương sau hơn 40 năm tìm kiếm. Sự trở về của các anh có lẽ không có cảm xúc nào có thể diễn tả dù đó chỉ là nắm xương hóa đất, hóa cát. Và bài hát “Hoa gạo đỏ màu hoàng hôn” của NS Phạm Minh Thuận được cất lên làm chúng tôi bật khóc, không chỉ bởi sự mượt mà, sâu lắng của giai điệu, ca từ. Mà ở đó, là sự hy sinh quá lớn của các anh cho độc lập tự do của Tổ quốc với: “Hai lần mẹ tiễn con đi. Con về, hai bằng liệt sĩ…Hai lần mẹ tiễn con đi…”. Anh lại tiếp tục đặt ra một câu hỏi để như nhắc chính mình, với mọi người hãy đừng quên những gì mình đang có đầy trân quý: “Cuộc đời hỡi! Còn ai, còn ai? Và những ai đã ăn quả chín. Còn có ai nhớ người trồng cây?...”.
Kết thúc bài hát, NS Phạm Minh Thuận đã dùng hình ảnh của những mùa hoa gạo đỏ, để nói lên nỗi lòng của bao người trong sự chờ đợi tưởng chừng như vô vọng, sự trở về của các anh: “Hoa gạo đỏ màu hoàng hôn. Hoa gạo đỏ như màu máu. Lặng lẽ chìm trong bóng đêm. Đau xé lòng. Nỗi nhớ vô biên”. Trò chuyện cùng chúng tôi, NS Phạm Minh Thuận chia sẻ: “Những ca khúc của mình được khán thính giả đón nhận, đó là niềm hạnh phúc và đó cũng chính là động lực để mình tiếp tục cống hiến theo cách riêng của người NS, trải lòng bằng âm nhạc để dâng tặng cho đời những đóa hoa tươi thắm…”.
Bài “Tiếng gọi từ trái tim”
Bài “Hoa gạo đỏ màu hoàng hôn"
SONG ANH