Nhân rộng mô hình Trạm Y tế lưu động sau ngày 15-9

Cập nhật: 15-09-2021 | 08:15:53

Trong những ngày một số phường ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên thực hiện các biện pháp “khóa chặt, đông cứng”, ngành y tế các địa phương này hoạt động hết tốc lực. Với hiệu quả hoạt động của các trạm y tế lưu động (TYTLĐ) tại các địa phương trên, Bình Dương xác định tiếp tục nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh, qua đó giúp người dân tiếp tục tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất khi trở về trạng thái “bình thường mới”.

Phát huy hiệu quả

TP.Thuận An là một trong những “vùng đỏ” của tỉnh. Để hỗ trợ y tế cho người dân, thành phố đã thành lập 15 TYTLĐ tại 4 phường “vùng đỏ đậm đặc” là Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa và Bình Chuẩn. Mỗi trạm y tế gồm 10 người, trong đó có 3 quân y, 1 nhân viên y tế địa phương, 1 tình nguyện viên hỗ trợ và 5 tình nguyện viên dẫn đường. Tính đến ngày 11-9, các TYTLĐ đã theo dõi, quản lý 511 F0 cách ly tại nhà, 213 người được tiếp cận chăm sóc hỗ trợ y tế, tư vấn chăm sóc sức khỏe qua điện thoại, trong đó có 2 trường hợp đã hoàn thành cách ly tại nhà.

Bác sĩ TYTLĐ tại TX.Tân Uyên tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân qua số điện thoại đường dây nóng. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

TYTLĐ thành lập nhằm giúp Trạm Y tế xã, phường giảm tải trong việc quản lý F0 tại nhà, nhất là trong công tác chăm sóc y tế, cấp cứu và tư vấn sức khỏe cho người dân. Trong 15 TYTLĐ tại Thuận An, nổi bật hơn cả là TYTLĐ tại khu cách ly trường Tiểu học Bình Thuận, phường Thuận Giao. Tích lũy đến nay, trạm đã có 773 F0 hoàn thành cách ly, đưa 21 trường hợp chuyển tuyến, 8 trường hợp có dấu hiệu nặng được chăm sóc kịp thời, không có trường hợp tử vong. Hiện trạm đang dồn lực lượng chuyển hoạt động về địa phương, giải phóng mặt bằng trả lại cơ sở cho ngành giáo dục.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thịnh, Trưởng khu cách ly trường Tiểu học Bình Thuận cho biết: “Hiện khu đang quản lý khoảng hơn 200 F0, trong đó có 18 F0 nặng đang theo dõi, còn lại là F0 có bệnh nền. Trong quá trình triển khai TYTLĐ, khu thành lập 5 tổ tiền trạm lưu động đóng tại các khu phố, tiếp nhận cuộc gọi từ người dân gọi tới để đáp ứng yêu cầu y tế. Sau khi nhận điện thoại, tổ tiền trạm phân loại F0, nếu nhẹ thì hướng dẫn điều trị tại nhà. Trong trường hợp F0 nặng cần cấp cứu, theo dõi sức khỏe thì chuyển trạm cấp cứu lưu động. Nếu tình trạng bệnh nhân vượt khả năng điều trị tại trạm thì chuyển tuyến lên Trung tâm Y tế”. 

Theo cán bộ ngành y tế, hiện nay lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh còn thiếu, địa bàn phức tạp, lượng nhân viên còn mỏng, trang thiết bị y tế còn hạn chế, nên rất áp lực và quá tải. Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, ngành y tế tập hợp nhân lực tại các khu cách ly gần nhau để thiết lập chung hệ thống, mua sắm hoặc liên hệ Công ty Cổ phần Đại Nam để được hỗ trợ bình oxy loại 5kg, máy tạo oxy, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cùng với 15 TYTLĐ tại TP.Thuận An, các TYTLĐ tại TX.Tân Uyên cũng phát huy hiệu quả. Hiện TX.Tân Uyên có 8 TYTLĐ tại 7 phường đang “khóa chặt, đông cứng”. Mỗi TYTLĐ có 6 - 8 bác sĩ, điều dưỡng túc trực 24/7 để chữa trị cho các F0 khi họ gọi điện tới số điện thoại đường dây nóng của Trạm Y tế địa phương.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Với chủ trương sống chung với dịch, việc thành lập các TYTLĐ là phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đánh giá về mô hình TYTLĐ tại khu cách ly trường Tiểu học Bình Thuận, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết mô hình TYTLĐ tại đây là mô hình hay, cách làm tốt để tỉnh nhân rộng trên địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 TYTLĐ. Các TYTLĐ chủ yếu hoạt động nhiều tại các điểm nóng về dịch bệnh ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên. Nhờ phát huy hiệu quả các TYTLĐ, nhiều người bệnh đang cách ly tại nhà đã vượt qua bệnh Covid-19. Ngoài việc tư vấn, các TYTLĐ còn phối hợp phát túi thuốc an sinh tại nhà.

Để mô hình TYTLĐ phát huy hiệu quả cao, theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Trung tâm hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Becamex, cho biết tổ y tế, nhân viên y tế từ các TYTLĐ cần sàng lọc thật tốt các F0. Khi thấy dấu hiệu F0 tại nhà ho, khó thở, cần sẵn sàng cấp cứu ngay và có phương án chuyển lên tuyến cao hơn. Các F0 tuổi cao, nhiều bệnh nền thì nên vận động đưa vào các cơ sở thu dung hoặc bệnh viện dã chiến. Cùng với đó, y tế tuyến phường phải sẵn sàng oxy, máy đo SpO2, các thiết bị y tế cần thiết để xử lý khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các F0.

“Từ hiệu quả hoạt động của những mô hình này, Sở Y tế tiếp tục đưa các trạm này vào hoạt động sau ngày 15-9. Cụ thể, ở “vùng đỏ” bố trí 1 - 3 trạm gắn với các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. Đối với “vùng xanh”, “vùng vàng” bố trí ít nhất 1 trạm dưới sự quản lý của Trạm Y tế địa phương. Riêng với TYTLĐ tại khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp thì do Sở Công thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì triển khai. Mỗi khu, cụm công nghiệp phải bố trí tối thiểu 1 trạm, trường hợp khu công nghiệp lớn thì bố trí 2 TYTLĐ”, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm.

 HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=350
Quay lên trên