Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thương mại và dịch vụ

Cập nhật: 29-05-2012 | 00:00:00

Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ (TM-DV), cùng với lĩnh vực tài chính - ngân hàng phát triển mạnh mẽ, thời gian gần đây Bình Dương thu hút khá nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN) vào lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại (ST-TTTM), cảng sông, khu kho vận, trung chuyển hàng hóa... Chính sự đầu tư này đã tạo thuận lợi nhiều cho lĩnh vực TM-DV của tỉnh phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

 Cảng Thạnh Phước đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa

Mạng lưới ST-TTTM phát triển mạnh

Ở lĩnh vực thương mại, từ năm 2004 đến nay hệ thống ST-TTTM phát triển nhanh chóng cả về số lượng và quy mô. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều ST-TTTM đi vào hoạt động ổn định, như hệ thống Siêu thị Vinatex Mart tại TX.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và huyện Bến Cát; BD Mart tại Dĩ An và Bến Cát; Co.opMart và CitiMart tại TX.Thủ Dầu Một... Bên cạnh các DN trong nước, Bình Dương cũng được các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đánh giá cao và là nơi được chọn lựa để triển khai dự án. Đi đầu trong đó là Tập đoàn Metro Cash & Carry đã đầu tư xây dựng Siêu thị Metro Bình Dương hiện đại, đúng chuẩn trên diện tích hơn 2 ha. Sau 18 tháng đi vào hoạt động, Metro Cash & Carry Bình Dương đã góp phần đáp ứng tốt về nhu cầu hàng hóa cho các DN, hộ kinh doanh... Cùng với Metro Cash & Carry, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc là Lotte Mart cũng chuẩn bị đầu tư vào Bình Dương. Dự kiến dự án Lotte Mart tại Bình Dương có vốn đầu tư 7 triệu USD với quy mô xây dựng 12.500m2 sẽ đi vào hoạt động vào năm 2013.

 Mới đây, Công ty Cổ phần Bất động sản Việt - Nhật đã đầu tư xây dựng TTTM Green Square tại TX.Dĩ An. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng với tổng diện tích sàn 23.450m2, trong đó có hơn 10.000m2 dành cho siêu thị được kinh doanh dưới thương hiệu Big C và diện tích còn lại kết hợp nhiều hoạt động phụ trợ khác như cửa hiệu mua sắm cao cấp, nhà hàng, dịch vụ ngân hàng, không gian trò chơi, ẩm thực... Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Bất động sản Việt - Nhật cho biết, TTTM Green Square sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý II-2013. Khi đi vào hoạt động, TTTM này sẽ phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, giải trí của người tiêu dùng Bình Dương và các vùng lân cận; đồng thời tạo việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương.

Trong các ST-TTTM được đầu tư, về quy mô phải nói đến TTTM Becamex tại TX.Thủ Dầu Một. Nằm tại cao ốc văn phòng Becamex Tower có vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, TTTM Becamex gồm 5 tầng với tổng diện tích 12.500m2 và gần 100 gian hàng kinh doanh sản phẩm đa dạng, chất lượng cao. Đây là TTTM đạt chuẩn, sang trọng và tiện nghi đầu tiên của tỉnh tích hợp nhiều dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí... TTTM Becamex đi vào hoạt động có ý nghĩa lớn trong việc mang đến sự lựa chọn mới cho người tiêu dùng, được mua sắm và vui chơi trong một không gian hiện đại và tiện lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Theo Sở Công Thương, sự phát triển nhanh của hệ thống ST-TTTM đã góp phần phục vụ tốt nhu cầu đời sống của người dân, đưa xu hướng tiêu dùng gia tăng theo hướng văn minh hiện đại, bảo đảm cung cấp phần lớn nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu vào các dịp lễ, tết... Bên cạnh đó, hệ thống này còn góp phần đưa tổng mức bán lẻ của tỉnh tăng bình quân hàng năm 30%/năm. Riêng trong năm 2011, tổng mức bán lẻ đã đạt trên 50.000 tỷ đồng.

Đột phá hoạt động kho vận, bến cảng

Cùng với lĩnh vực hạ tầng thương mại đã và đang phát triển, với lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trên 15 tỷ USD hàng năm cùng vị trí chiến lược quan trọng, thời gian qua Bình Dương đã thu hút nhiều DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực cảng, kho vận, trung chuyển hàng hóa như Công ty TNHH ICD Tân Cảng - Sóng Thần đầu tư cảng khô tại Thuận An; Công ty Cổ phần giao nhận vận tải U&I đầu tư khu kho vận tại Tân Uyên; Daso Group đầu tư Cảng Bình An tại TX.Dĩ An... Mới đây nhất, Cảng Thạnh Phước nằm tại huyện Tân Uyên do Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước làm chủ đầu tư cũng đã được đưa vào hoạt động. Cảng Thạnh Phước được quy hoạch trên diện tích 63 ha, gồm 16 cầu cảng với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng; có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan từ 1.000 - 2.000 tấn. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích xây dựng 25 ha với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng bao gồm 8 cầu cảng, đường, bãi, nhà kho, thiết bị bốc xếp...

 Mua sắm tại Trung tâm Thương mại Becamex

Ngoài các DN trong nước, thời gian qua Bình Dương đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực kho vận, trung chuyển hàng hóa đến từ Singapore, Đức, Đan Mạch... Trong đó, dự án có mức đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Mapletree (Singapore). Hiện tập đoàn này đã đưa vào hoạt động khu kho vận Mapletree tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Đây được xem là khu kho vận hàng đầu Việt Nam với quy mô xây dựng 68 ha với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Ngoài Mapletree, Trung tâm kho vận YCH - Protrade (YCH-Protrade DistriPark) do Tập đoàn YCH (Singapore) và Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) hợp tác xây dựng vào cuối năm 2010 hiện đã đi vào hoạt động ổn định. Dự án này được xây dựng trên diện tích 6,9 ha tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An với sức chứa 50.000 pallet với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD.

Ngoài ra, còn có Công ty Schenker Việt Nam (thuộc Tập đoàn DB Schenker của Đức) đã đầu tư trung tâm kho vận tại KCN Sóng Thần I, TX.Dĩ An. Dự án có vốn đầu tư 5,5 triệu USD, quy mô xây dựng trên diện tích 1 ha nhằm cung ứng các dịch vụ hoàn chỉnh về giao nhận xuất nhập khẩu và hậu cần, phục vụ chính cho các ngành có sản phẩm công nghệ cao, điện tử, hàng công nghiệp, hóa phẩm, may mặc và tiêu dùng tại các khu công nghiệp của Bình Dương và TP.HCM. Mới đây nhất vào giữa năm 2011, nhà cung cấp giải pháp về quản trị chuỗi cung ứng và giao nhận vận tải hàng đầu thế giới Damco (là một thành viên hoạt động độc lập trong Tập đoàn A.P.Moller - Maersk của Đan Mạch) đã chính thức khánh thành Trung tâm kho vận đa năng hiện đại rộng 2,6 ha tại phường Bình Thắng, TX.Dĩ An. Dự án có tổng vốn đầu tư 4 triệu USD cho giai đoạn 1 và có thể cung cấp được nhiều giải pháp về kho vận tại cùng một chỗ, như: Kho hàng lẻ, kho ngoại quan, kho đóng hàng container nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu cho các DN phía Nam, giúp khách hàng giảm tổng chi phí đến cảng nước sâu Cái Mép.

Có thể nói, thời gian qua lĩnh vực ST-TTTM, kho cảng và vận tải chuyên dùng tại Bình Dương đã phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển. Điều này cũng cho thấy mục tiêu của Chương trình “Phát triển dịch vụ chất lượng cao giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh” thời gian qua chuyển biến rất tích cực. Đây là cơ sở để tin tưởng vào kế hoạch đến năm 2015, tỷ trọng GDP của khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 38% mà Bình Dương đã đề ra là hoàn toàn khả thi.

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên