Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, văn hóa đọc cũng bị tác động, ảnh hưởng không ít bởi văn hóa nghe nhìn. Nhằm phát triển văn hóa đọc, thời gian qua ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL), mà trực tiếp là hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, kế hoạch, cũng như tổ chức nhiều hoạt động, góp phần lan tỏa thói quen và truyền cảm hứng đọc sách đến cộng đồng.
Nhiều cuốn sách hay đã được giới thiệu đến với mọi người tại hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách năm nay
Nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết những năm qua, nhằm phát triển văn hóa đọc, hàng năm Thư viện tỉnh đều tổ chức Ngày hội sách, với nhiều hoạt động phong phú, như: Tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách, giao lưu tác giả, tác phẩm, tổ chức các hội thi tuyên truyền, kể chuyện theo sách. Bên cạnh đó, thư viện còn tổ chức các hoạt động tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề về Ngày Sách Việt Nam với các chủ đề liên quan đến phát triển, khuyến khích phong trào đọc sách, giới thiệu kỹ năng và phương pháp đọc sách, giới thiệu các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ địa phương; cổ động trực quan bằng khẩu hiệu, banner tuyên truyền, đoàn xe diễu hành...
“Các hoạt động đã tạo được sự quan tâm, chú ý của người dân, qua đó người dân biết nhiều hơn về hoạt động của thư viện. Có rất nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con, em mình đến thư viện để tìm hiểu, khai thác tài liệu, tìm kiếm thông tin. Các hoạt động này đã góp phần đưa “văn hóa đọc” trở thành thói quen cho bạn đọc, nhất là các em học sinh. Hoạt động này còn rèn cho các em biết chọn những loại sách, báo có nội dung tốt, mang tính giáo dục cao phù hợp với tâm sinh lý của các em; đồng thời giúp các em học tập những gương người tốt, việc tốt, các nhân vật, sự kiện lịch sử, hiểu biết về thế giới tự nhiên khoa học... để phục vụ tốt việc học tập nâng cao kiến thức, hình thành nhân cách của các em; qua đó tuyên truyền, giáo dục cho các em về việc đọc sách cũng như trân trọng giữ gìn và bảo vệ sách”, ông Huệ nói.
Ngoài các hoạt động tại chỗ đang phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển văn hóa đọc, Thư viện tỉnh còn tổ chức xe sách lưu động phục vụ thư viện lưu động tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Tại các buổi phục vụ lưu động thường có sự kết hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức thêm các sinh hoạt chuyên đề, giúp bạn đọc, nhất là lứa tuổi học sinh có thêm những kiến thức và kỹ năng sống bổ ích.
Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa đọc
Ở thời đại nào cũng vậy, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương thức để hoàn thiện nhân cách, để tiến bộ hơn trong cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng, thắp sáng trong chúng ta nguồn tri thức vô biên, dạy cho chúng ta biết sống có ích và sống có lý tưởng. Xã hội ngày càng phát triển, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức qua mạng internet với công nghệ hiện đại, tuy nhiên, sách vẫn không mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó, mà vẫn gắn bó với con người trong hàng ngàn năm lịch sử.
Hướng đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới năm nay, hệ thống thư viện công cộng từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng. Tùy điều kiện của từng địa phương, Thư viện các huyện, thị, thành phố đã tổ chức Ngày hội “Sách và Văn hóa đọc” theo chuyên đề, đưa sách đến phục vụ bạn đọc thiếu nhi tại các trường học, phục vụ thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động khác liên quan đến sách nhằm khơi gợi tình yêu với sách, lan truyền văn hóa đọc trong nhân dân.
Riêng ở cấp tỉnh, ngoài hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách năm 2022 với chủ đề “Sách - khát vọng cống hiến”, Thư viện tỉnh còn tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, như: Biểu dương và tặng quà cho bạn đọc tích cực đọc sách; ra mắt Câu lạc bộ “Cùng bạn đọc sách”; thăm và tặng quà bạn đọc lớn tuổi nhất của thư viện. Cũng trong dịp này, Thư viện tỉnh còn tổ chức triển lãm sách mới, sách hay, sách quý, các tác phẩm viết về Bình Dương; trưng bày gian hàng sách kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, sống đẹp dành cho tuổi vị thành niên; tổ chức đoàn xe diễu hành hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động trên một số tuyến đường trọng điểm TP.Thủ Dầu Một…
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, trong thời đại công nghệ số hiện nay, văn hóa đọc có sự tác động lớn bởi văn hóa nghe, nhìn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành VHTT&DL, ngành giáo dục - đào tạo, những người làm công tác thư viện... việc đọc sách của người dân trong tỉnh, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên vẫn được duy trì và phát triển. Xu hướng đọc trên các thiết bị công nghệ thông tin hiện nay đang là một thách thức cũng là cơ hội đối với hoạt động thư viện. Điều này đòi hỏi tập thể cán bộ thư viện phải nhìn nhận lại thực tế việc đọc hiện nay và có những định hướng, giải pháp phát triển phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu đọc của phần lớn bạn đọc hiện nay.
Ngoài việc đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, chúng tôi luôn đổi mới hình thức hoạt động, đổi mới phương thức phục vụ, chủ động đem sách phục vụ bạn đọc, xây dựng hệ thống kho mở giúp bạn đọc tiếp cận trực tiếp với tài liệu, hạn chế sự can thiệp của thủ thư; từ đó tạo cho bạn đọc tâm lý thoải mái nhất khi đến thư viện, tạo không gian đọc thân thiện, phục vụ bạn đọc đến khai thác thông tin kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật”. (Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh) |
HỒNG THUẬN