Thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng vẫn có không ít vụ tai nạn thương tích (TNTT) gây hậu quả thương tâm xảy ra với trẻ em, gây ra nỗi đau cho gia đình và cộng đồng. Trên thực tế, TNTT hoàn toàn có thể phòng, tránh nếu cha mẹ, người lớn cẩn trọng, không lơ là chủ quan trong việc trông nom, chăm sóc trẻ.
Các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ được tập huấn BVCSTE
Nhiều thông tin bổ ích
Trẻ em bị TNTT tại gia đình đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do sự hiếu động, tò mò, nghịch ngợm của trẻ nhỏ. Các em chưa nhận thức được đầy đủ những mối nguy hiểm tiềm ẩn ở xung quanh mình. Bên cạnh đó, sự lơ là, chủ quan, thiếu kiến thức của người lớn là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cũng chính vì lý do đó để các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ có thêm kiến thức phòng ngừa TNTT cho trẻ, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (BVCSTE-BĐG) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề về BVCSTE cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại các xã, thị trấn của huyện Phú Giáo. Qua nội dung tập huấn, các bậc phụ huynh đồng quan điểm: “Nhiều khi chúng tôi cũng không chú ý những vật dụng như ổ cắm, phích nước nóng, vật sắc nhọn để xa tầm tay trẻ. Chúng tôi cứ nghĩ con sẽ không với lấy, hay cầm chơi đến khi con bị thương tích mới thấy hối hận. Giờ được tập huấn có thêm kiến thức, chúng tôi sẽ cẩn thận hơn trong việc chăm sóc con”.
Khi trẻ em gặp TNTT, nhiều người cho đó là rủi ro nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu cẩn trọng hơn. Để chủ động phòng, chống TNTT, các bậc cha mẹ, người lớn phải hết sức lưu tâm, không thể chủ quan; đồng thời thường xuyên giáo dục, hướng dẫn trẻ cách nhận biết và phòng tránh những nguy cơ gây mất an toàn để tự bảo vệ chính bản thân mình. Do đó, báo cáo viên Phòng BVCSTE-BĐG cũng đã chỉ dẫn những người tham dự tập huấn “điểm danh” từng vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ để các con nhận biết. Cụ thể, vấn đề ngạt nước, hỏa hoạn cũng là một mối đe dọa có nguy cơ lớn với trẻ, do đó các bậc cha mẹ nên dạy trẻ nhận diện hỏa hoạn bằng cách chỉ cho trẻ những nguy cơ có thể gây cháy, hệ thống báo cháy, cách dùng bình chữa cháy hoặc nước để chữa cháy…
Để trẻ được an toàn
Bà Trịnh Thị Huyền, Trưởng phòng BVCSTE-BĐG cho biết, buổi tập huấn là một trong các hoạt động của chương trình phòng, chống TNTT cho trẻ. Thời gian qua, công tác phòng, chống TNTT cho trẻ em luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài việc tích cực tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn ở cả 9 huyện, thị, thành phố nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng, kiến thức về phòng chống TNTT trẻ em cho người dân; đồng thời phối hợp với các đơn vị, cơ sở tổ chức các khóa học bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Mặc dù đã nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn cho trẻ nhưng vẫn còn những trường hợp trẻ bị TNTT từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong. Do đó, trong thời gian tới, Sở LĐ- TB&XH tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể quan tâm đầu tư cho sự nghiệp BVCSTE. Hướng tới mọi trẻ em đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Có thể thấy, bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển con người, những hoạt động thiết thực nêu trên thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền của tỉnh đối với trẻ em - mầm non tương lai của đất nước. Hy vọng những việc làm đó sẽ góp phần hình thành nhân cách đạo đức và phát triển toàn diện thể chất cho trẻ em ngay từ khi tuổi ấu thơ.
T.LÝ