Những dấu son của thể thao Bình Dương - Bài 1

Cập nhật: 23-10-2015 | 09:09:16

LTS: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015, cùng với các lĩnh vực khác, thể thao Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc, ghi những dấu son chói lọi thể thao đỉnh cao của nước nhà. Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, Báo Bình Dương giới thiệu đến bạn đọc những dấu son đặc biệt của thể thao Bình Dương.

 

Bài 1: Quần vợt từ “vùng trắng” đến đỉnh cao

Từ chỗ là “vùng trắng” trên bản đồ thể thao cả nước, quần vợt Bình Dương (QVBD) bắt đầu gầy dựng với lò đào tạo vận động viên (VĐV) trẻ cùng những bước đi mang tính đột phá để dần trở thành trung tâm đào tạo VĐV quần vợt số một của cả nước. QVBD đã trình làng những tay vợt trẻ xuất sắc như Lý Hoàng Nam (Vô địch Việt Nam, Vô địch đôi nam trẻ thế giới Wimbledon 2015), Nguyễn Văn Phương (4 cúp vô địch U14 châu Á)… trở thành mô hình xuất sắc, được các tỉnh, thành cả nước học tập.


Lý Hoàng Nam được chào đón khi trở về cùng cúp vô địch trẻ Wimbledon 2015

Nói về thuở ban đầu của QVBD, ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Bình Dương, nguyên Giám đốc đầu tiên của Công ty Cổ phần Kinh doanh và thể thao Bình Dương, đơn vị quản lý và điều hành Trung tâm đào tạo quần vợt và đội tuyển quần vợt Becamex Bình Dương, cho biết: QVBD có thể nói bắt đầu từ cụm 4 sân quần vợt đạt tiêu chuẩn quốc tế do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư, nằm trong khuôn viên sân vận động Bình Dương. Ngoài phục vụ cho nhu cầu tập luyện và thi đấu phong trào của nhân dân trong tỉnh và các cấp lãnh đạo, cụm sân này trở thành điểm đến của các VĐV quần vợt cả nước về thi đấu các giải do Bình Dương chủ động đề nghị giao quyền đăng cai hoặc tự đứng ra tổ chức các giải cấp quốc gia (đặc biệt là Hệ thống giải tính điểm VTU do Bình Dương thành lập), quốc tế (đăng cai các giải trẻ thế giới Junior ITF, Việt Nam - Thái Lan) trong nhiều năm liên tục. Cơ sở vật chất hiện đại là một yếu tố quan trọng nhưng vấn đề con người mới là then chốt bảo đảm cho sự thành công.

Ông Trần Ngọc Minh tiếp lời: “Bên cạnh việc tổ chức các giải đấu để khuấy động phong trào, dưới sự chỉ đạo của Tổng Công ty Becamex IDC, chúng tôi tích cực mời gọi các chuyên gia giỏi về làm việc để vạch lộ trình làm quần vợt theo hướng chuyên nghiệp của thế giới. Song song đó, chúng tôi thu hút các tài năng về thi đấu cho tỉnh nhà, vừa bắt tay vào việc tuyển chọn các VĐV nhí có năng khiếu để trực tiếp đào tạo. Sau này, những VĐV từng đầu quân thi đấu cho Bình Dương như Trần Đức Quỳnh, Nguyễn Phi Anh Vũ… đã trở thành những HLV giỏi, trực tiếp huấn luyện, ươm mầm cho các VĐV nhí. Lý Hoàng Nam, Hồ Huỳnh Đan Mạch… chính là những tài năng nhí thuộc lứa đầu tiên do Trung tâm đào tạo VĐV quần vợt Becamex trực tiếp tuyển chọn, đào tạo, đầu tư liên tục và sau này gặt hái thành công. Sau lứa của Lý Hoàng Nam, “lò” quần vợt Becamex tiếp tục trình làng những VĐV trẻ đầy tài năng khác, như Nguyễn Văn Phương (4 HCV đơn nam, đôi nam U14 châu Á năm 2015), Huỳnh Minh Hưng (vô địch U18 quốc gia), Nguyễn Linh Tiffany (HCV U14 quốc gia)…”.

Tuy nhiên, nếu chỉ bấy nhiêu đó thì quần vợt Bình Dương vốn sinh sau đẻ muộn sẽ khó mà vượt lên và qua mặt các trung tâm quần vợt giàu truyền thống như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng hay Sóc Trăng… Theo ghi nhận của chúng tôi, điều khác biệt giữa cách làm quần vợt của Bình Dương và các địa phương khác, chính là tâm huyết, luôn tích cực học tập kinh nghiệm quý giá của các lò đào tạo quần vợt quốc tế, các chuyên gia nước ngoài để vận dụng sáng tạo cho mô hình của Bình Dương, đặc biệt là đầu tư nghiêm túc, liên tục, đầy tính chuyên nghiệp. Từ khi thành lập Trung tâm đào tạo quần vợt Becamex đến nay, không thể nhớ hết bao nhiêu lần đơn vị này đưa các VĐV qua Thái Lan (1 VĐV Bình Dương trung bình 1 năm có 6 lần qua Thái Lan tập huấn và thi đấu), Malaysia, Philippines và các quốc gia châu Âu, châu Mỹ để tập huấn dài hạn hoặc thi đấu các giải trẻ. Không chỉ vậy, Bình Dương không tiếc tiền ký hợp đồng với các chuyên gia quần vợt người Úc, Đan Mạch (HLV Christian) để chịu trách nhiệm tư vấn chiến lược phát triển, giám sát quy trình đào tạo VĐV trẻ và trực tiếp đứng lớp rèn giũa từng pha bóng cho các tài năng. Hiện tại, lò đào tạo của Bình Dương đang có 5 HLV nội và 1 chuyên gia nước ngoài, trực tiếp phụ trách đào tạo cho 20 tài năng trẻ ở các lứa tuổi khác nhau. Trong suốt quá trình đào tạo, lò Becamex liên tục sàng lọc qua việc kiểm tra sự tiến bộ trong tập luyện, thi đấu; ý chí vươn lên; ý thức chuyên nghiệp của từng VĐV để có sự đầu tư liên tục và phù hợp nhất. Lý Hoàng Nam, Nguyễn Văn Phương, Vũ Artem, Nguyễn Linh Tiffany, Lian Trần (á quân VĐQG 2015 khi mới gần 14 tuổi) là những điển hình cho sự phấn đấu, liên tục tự vượt lên chính mình.

Theo ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, QVBD được cả nước công nhận là trung tâm đào tạo VĐV trẻ tốt nhất Việt Nam hiện nay. Bình Dương đang có cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu quần vợt rất hiện đại; quy trình đào tạo chặt chẽ, khoa học và chuyên nghiệp. Với cách làm bài bản, đầy tinh thần trách nhiệm như thế, tin là QVBD sẽ còn tiến xa, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà là đủ sức chinh phục khu vực và châu lục.

CHÍ THANH

Bài 2: Xe đạp Bình Dương khẳng định vị thế

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=701
Quay lên trên