Nỗ lực cao hơn để đẩy lùi dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu phát triển

Cập nhật: 23-09-2021 | 07:11:03

Chiều 22-9, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9 (mở rộng), nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 9 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2021. Tham dự phiên họp còn có lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh cũng đang từng bước mở rộng sản xuất sau thời gian dài phải thu hẹp để phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH NTI Vina (Khu công nghiệp VSIP II)

Tăng trưởng trong khó khăn

- Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trong 3 tháng cuối năm 2021, UBND tỉnh yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và kiên định thực hiện “mục tiêu kép”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm, mất cảnh giác, không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Từng địa phương thường xuyên đánh giá tình hình, chủ động trong thực hiện giãn cách và nới lỏng giãn cách bảo đảm hiệu lực, hiệu quả phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục triển khai các giải pháp về giảm nguy cơ lây nhiễm, điều trị, tiêm vắc xin… Xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng, chống dịch bệnh, dần thích nghi với trạng thái của dịch bệnh để tiến tới mở lại toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế: Theo kế hoạch, Bình Dương cần thêm khoảng 2,7 triệu liều vắc xin để tiêm 2 mũi cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Dự kiến, thời gian triển khai từ tháng 9 đến tháng 11-2021 và sẽ triển khai ngay khi tiếp nhận theo các đợt phân bổ của Bộ Y tế cũng như nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu, sản xuất trong nước cho tỉnh. Đối tượng tiêm chủng bao gồm toàn thể người dân trên địa bàn trong độ tuổi chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho người chưa tiêm mũi 1. Thời gian tới, các khu vực có từ 10.000 - 12.000 công nhân sẽ được bố trí trạm y tế lưu động, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện công tác test nhanh, RT-PCR, theo dõi và xử lý nhanh các ca F0 tại DN, không để lây lan dịch bệnh trong các DN.

- Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Hiện có khoảng 64% số DN trong các khu công nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Tuy phương án “3 tại chỗ” nhằm giúp DN không đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì việc làm cho người lao động nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, quay lại hoạt động trong tình hình mới, phương án sản xuất của các DN cần phải thay đổi để bảo đảm an toàn và phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhất là các huyện phía bắc của tỉnh đã được công bố “vùng xanh”, nhằm giúp DN giảm bớt chi phí, duy trì chuỗi cung ứng, giải quyết việc làm và bảo đảm đời sống cho người lao động. Bảo đảm kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh theo phương châm DN phải an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Trong tháng 9, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ đầu quý III-2021, Bình Dương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, nên gần như tất cả các hoạt động KT-XH đều bị ngưng trệ, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế tháng 7, tháng 8 đều giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình KT-XH Bình Dương vẫn đạt được một số kết quả quan trọng. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng ước tăng 2,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 1,9%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 2,7%, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 26,7%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 34%. Đến ngày 15-9, tỉnh thu hút được 63.314 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (tăng 20,7% so với cùng kỳ); thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,5 tỷ đô la Mỹ (đạt 83,8% kế hoạch, tăng 25% so với cùng kỳ); thu ngân sách ước đạt 47.900 tỷ đồng, đạt 82% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và HĐND tỉnh thông qua, tăng 10% so với cùng kỳ…Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp trong từng thời điểm cụ thể để phòng chống, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, có 6/9 địa phương trong tỉnh đã công bố “vùng xanh”, bước đầu khôi phục các hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”.

Phục hồi kinh tế phải an toàn

Đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Minh, cho biết trong 9 tháng năm 2021, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp (DN), tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn xã hội, sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước nên đến nay dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, từng bước “xanh hóa” nhiều địa bàn, KT-XH cơ bản đạt được một số kết quả khả quan. Tỉnh đã huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phòng, chống dịch bệnh, trong đó ưu tiên hàng đầu là giải pháp tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, sớm đưa các hoạt động KT-XH từng bước về trạng thái “bình thường mới”.

Việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong 3 tháng còn lại của năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, hiệu quả và thời gian khống chế dịch bệnh sẽ quyết định đến sự ổn định lao động, quá trình phục hồi hoạt động của DN và đưa địa phương trong trạng thái “bình thường mới” giai đoạn sau giãn cách. Tỉnh sẽ từng bước mở lại hoạt động kinh tế theo nguyên tắc vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, vừa đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái “bình thường mới”, sớm đưa kinh tế của tỉnh phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Võ Văn Minh khẳng định nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn được tỉnh xác định là trọng tâm. Toàn tỉnh sẽ nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và hoàn thành các mục tiêu KT-XH ở mức cao nhất. Các sở, ngành, địa phương phải tập trung rà soát lại kịch bản tăng trưởng để đưa ra những phương án sát với tình hình, mục tiêu đề ra. Tỉnh sẽ từng bước mở lại hoạt động kinh tế theo nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”; tiếp tục quan tâm giải quyết khó khăn cho DN, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Bình Dương xác định lộ trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ ngày 15-9 đến 31-10: Ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động KT-XH trên địa bàn các “vùng xanh” gồm các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, TX.Bến Cát và TP.Thủ Dầu Một; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt “vùng đỏ”, “điểm đỏ”; mở rộng “vùng xanh; xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Giai đoạn 2, từ sau ngày 31-10, nếu lượng vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10, tỉnh sẽ hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh, sẽ cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, tỉnh sẽ mở cửa lại các hoạt động KT-XH một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại... Giai đoạn 3, từ sau ngày 31-12: Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”, tỉnh sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động KT-XH.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên