Nỗ lực sản xuất, giữ chuỗi cung ứng

Cập nhật: 19-08-2021 | 08:53:07

Duy trì sản xuất dù ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng là bài toán giữ nền móng cho cả nền kinh tế, tạo đà để phục hồi mạnh mẽ một khi dịch bệnh được khống chế. Thời điểm này vai trò, tính sáng tạo, tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) là những yếu tố quyết định.

 Vận chuyển hàng hóa thời điểm dịch bệnh tại Công ty TNHH Thiên Phiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên)

 Sản xuất an toàn

Ông Đặng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Sanaky Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3) cho biết, với 600 công nhân tại nhà máy, DN tổ chức ăn ở và làm việc riêng từng bộ phận, sinh hoạt với từng khung giờ khác nhau, đến nay không xảy ra lây nhiễm chéo. Nhờ đó, mặc dù dịch bệnh, phải thực hiện “3 tại chỗ” nhưng DN lại hoạt động khá tốt, sản lượng tăng so với bình thường khoảng 15%. Ông Việt lý giải, người lao động ở lại nên DN tổ chức tăng ca, tạo điều kiện tăng thu nhập cho người lao động. Để không đứt gãy chuỗi cung ứng, nhận định địa phương sẽ áp dụng giãn cách xã hội, DN đã chủ động nhập vật tư đủ cho sản xuất đến hết tháng 9-2021. Chính sự nỗ lực cao trong việc bảo đảm sức khỏe người lao động, chủ động các khâu sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng cho nhà máy.

Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, trong dịch bệnh các DN thành viên cũng đã và đang tìm mọi cách để thích ứng được tình hình, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài, mở rộng xuất khẩu. Ông Nguyễn Thanh Được, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) cho hay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, nhưng hiện nay các nhà máy của công ty sản xuất tới đâu xuất khẩu tới đó. Công ty đang nỗ lực hết sức để giữ vững đơn hàng, bảo đảm mức tăng trưởng trong năm 2021.Với lợi thế trong “vùng xanh”, DN đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, tận dụng những cơ hội mà chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại.

Hiện nay, nhiều DN đang kỳ vọng trong 1 - 2 tháng tới sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 tiêm đồng loạt cho người lao động trong các nhà máy và ngoài cộng đồng, dịch bệnh sẽ được khống chế tốt. Như vậy, DN có thể khôi phục sản xuất và tăng tốc để bù lại. Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc lao động Công ty Esprinta Việt Nam (Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TP.Dĩ An) cho biết, sau một thời gian nỗ lực duy trì 200 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”, đến nay công ty đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để quay trở lại sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Hiện tại, công ty đã tiến hành khảo sát trên 6.000 công nhân và điều đáng mừng là 90% trong số đó đều đồng ý quay lại làm việc với điều kiện bảo đảm an toàn. “Đến nay, công ty đã hoàn thành việc xét nghiệm PCR cho công nhân tại nhà máy sản xuất “3 tại chỗ”. Công ty đang trao đổi tìm ra phương án sản xuất an toàn nhất trong mùa dịch bệnh để hoàn thành các đơn hàng đang tồn đọng. Công ty cũng mong muốn sớm được các ngành kiểm tra, hướng dẫn thêm về điều kiện làm việc tại nhà máy, các phương án để kiểm soát người lao động. Khi tổ chức được sản xuất trở lại, công ty mong muốn được tạo điều kiện tiêm vắc xin cho người lao động, ngành y tế địa phương cũng cần trả kết quả PCR nhanh hơn để công ty kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, ông Thái chia sẻ.

Tháo gỡ khó khăn

Trao đổi với chúng tôi về việc tháo gỡ khó khăn thủ tục, cung ứng nguyên phụ liệu cho DN trong dịch bệnh, ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết đơn vị đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN duy trì hoạt động, khơi thông hàng hóa, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, bố trí các bộ trực thông quan 24/7. Trong đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính, phát huy tối đa hiệu quả. Hiện nay, tất cả các hồ sơ DN gửi đến đều được xử lý thông qua hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS, hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan.

Đối với nguồn nguyên phụ liệu nhập về cảng Cát Lái đang bị ùn ứ do quá tải, Cục Hải quan Bình Dương chỉ đạo Chi cục Hải quan Sóng Thần phối hợp với Công ty CP ICD Tân Cảng Sóng Thần xây dựng quy chế phối hợp thực hiện cũng như chuẩn bị sẵn các giải pháp, nhân lực, phương tiện vận chuyển và khu vực bãi chuyên dùng cho việc tiếp nhận lượng container chuyển khẩu từ Cảng Cát Lái về; thực hiện thông quan nhanh, đúng theo quy định, tạo thuận lợi cho DN.

 Dự kiến ICD Tân Cảng Sóng Thần sẽ tiếp nhận một lượng lớn container hàng hóa nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh từ Cảng Cát Lái chuyển khẩu về. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Việt Dũng cho rằng khó khăn nhất là nhận hàng về mà các DN không vận chuyển được về kho thì rất khó cho Hải quan, trong khi một số DN cần nguyên liệu sản xuất lại không có. Để tránh tình trạng trên, ông Dũng cho biết các DN khó khăn về thông quan hàng hóa tại Cảng Cát Lái để sản xuất và chắc chắn có thể nhận được hàng vận chuyển về công ty hãy liên hệ với Cục Hải quan Bình Dương. Cục Hải quan tỉnh tăng cường nắm bắt thông tin, giữ liên lạc với DN, hướng dẫn các Chi cục Hải quan thực hiện các biện pháp quản lý hải quan phù hợp, linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu hàng hóa.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=548
Quay lên trên