Nông nghiệp đô thị Bình Dương: Những bước đi khả quan đầu tiên

Cập nhật: 17-01-2013 | 00:00:00

 Nhiều nông dân tại Bình Dương đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh… Qua đó góp phần giảm chi phí lao động, giảm diện tích canh tác nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất của bà con nông dân cũng được nâng lên rõ rệt. NNĐT Bình Dương đang có xu hướng phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô sản xuất. Các mô hình sản xuất rau thủy canh, rau mầm được hình thành ngày càng nhiều. Đối với các mô hình này, nhờ ứng dụng các kỹ thuật tưới nhỏ giọt, hệ thống hồi lưu… nên đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Trong tương lai, các mô hình sản xuất rau thủy canh, rau mầm còn có khả năng phát triển mạnh hơn.    Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam (bên trái) tham quan mô hình trồng nấm công nghệ cao của ông Phan Văn Thêm tại xã Phú An, huyện Bến Cát

Bên cạnh các mô hình nói trên, các mô hình sản xuất nấm, trồng hoa lan và cây cảnh cũng được nông dân mở rộng. Theo dự kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến năm 2020, riêng vùng trồng hoa, cây cảnh sẽ có quy mô hơn 370 ha. Với những mô hình này, số vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng theo đánh giá của nhiều người, thu nhập từ các mô hình NNĐT mang lại cao gấp 8 - 10 lần so với các mô hình nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, để thành công với những mô hình NNĐT, đòi hỏi nông dân phải có trình độ kiến thức nhất định. Ông Nguyễn Văn Đẹp, chủ trang trại trồng cà chua, dưa leo công nghệ cao tại xã Phú An, huyện Bến Cát, cho biết để có thể thành công với những mô hình kiểu này ngoài trình độ ứng dụng kỹ thuật, đòi hỏi người nông dân phải có sự đam mê và có nguồn lực về vốn đầu tư.

Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 0,2 ha trồng rau thủy canh, 1,8 ha trồng nấm các loại, 139 ha trồng rau an toàn, 75 ha trồng hoa lan và cây cảnh… Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất sản xuất ước đạt 75 triệu đồng.

NNĐT tuy đã đạt được một số kết quả ban đầu khá ấn tượng, nhưng theo ông Phạm Văn Bông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, hầu hết các mô hình sản xuất NNĐT tại Bình Dương có quy mô nhỏ và phân tán. Công tác chuyển giao kỹ thuật chủ yếu thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến ngư với quy mô nhỏ, vốn hỗ trợ thấp nên hiệu quả mang lại chưa cao. Các nguồn lực, đặc biệt là vốn, khoa học công nghệ, cán bộ chuyên môn và lực lượng công nhân kỹ thuật có tay nghề để hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân vẫn còn thiếu và yếu; nguồn lực của các nông hộ có hạn nên nguồn vốn đầu tư cho các mô hình còn hạn chế…

Để có thể đẩy mạnh lĩnh vực NNĐT phát triển trong thời gian tới, ông Phạm Văn Bông cho rằng cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là đúc kết nhân rộng các mô hình NNĐT phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn chuyển giao kỹ thuật làm dịch vụ cho nông hộ, nhất là trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật canh tác; công nghệ chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ nông sản.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=319
Quay lên trên