NSƯT - NS Thanh Hải: “Chuông vàng vọng cổ” góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống

Cập nhật: 22-09-2011 | 00:00:00

Qua 6 lần “Chuông vàng vọng cổ” (bắt đầu từ năm 2006 với tên gọi Ngôi sao vọng cổ truyền hình) được HTV tổ chức thì 3 lần NSƯT - NS Thanh Hải được chọn vào Ban giám  khảo. Và trong những ngày cuối để chọn ra những gương mặt xuất sắc trong cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ 2011” này, anh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện xoay quanh cuộc thi này.

- Cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” lần nầy có gì mới so với những lần trước?

 

- Bắt đầu từ cuộc thi lần thứ V-2010 thì “Chuông vàng vọng cổ” đã mở rộng diện thí sinh ra nhiều tỉnh, thành khác nhưng lần này mới có thể nói là quy mô trên toàn quốc hầu tạo điều kiện cho tất cả các thí sinh yêu thích vọng cổ trên cả nước có cơ hội tham gia được dễ dàng hơn.

- Sân chơi này có là bệ phóng cho những thí sinh đoạt giải trong thời gian qua và sắp tới, thưa nhạc sĩ?

- “Chuông vàng vọng cổ” là một sân chơi lý thú và bổ ích. Rất cần thiết... Nó tạo phong trào và phát hiện những giọng ca triển vọng để có thể bổ sung cho nguồn nhân lực sân khấu cải lương nói chung. Tôi nói, có thể ở đây là vì, không ít thí sinh đoạt giải (chuông vàng, chuông bạc, chuông đồng) ngộ nhận mình đã trở thành nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Một người nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp phải hội đủ nhiều yếu tố về cả phần ca lẫn phần diễn mà những thí sinh đoạt giải ở đây chỉ mới được phần ca. Nhiều đài truyền hình trên cả nước, nhất là HTV rất ưu ái, tạo điều kiện cho không những thí sinh đoạt giải mà còn cho cả những thí sinh lọt vào “top” 10 được trình diễn trước công chúng hoặc nhiều đoàn cải lương cũng đã mời một số gương mặt triển vọng về cộng tác. Tuy nhiên, để trở thành một nghệ sĩ thực thụ thì các em phải hoàn thiện mình nhiều hơn nữa. Đoạt giải “Chuông vàng vọng cổ” chỉ mới là bước đầu trong cuộc hành trình chinh phục khán giả đầy gian lao...

- Nhạc sĩ có điều gì băn khoăn chung quanh “Chuông vàng vọng cổ”?

- Theo tôi, nên chăng cho thí sinh chỉ ca những bài thuộc về vọng cổ, chứ đừng đưa tân nhạc như “tân cổ giao duyên” vào, bởi cuộc thi này chỉ thuần về vọng cổ... Nhiều thí sinh hát vọng cổ thì rất hay nhưng tới phần tân nhạc thì lại gượng làm cho tổng thể bài ca không được hoàn hảo. Đó cũng là một bất lợi không đáng có dành cho các em thi về ca vọng cổ.

- Còn hiệu quả của “Chuông vàng vọng cổ”?

- Rất may mắn là có “Chuông vàng vọng cổ” gây dựng phong trào và bổ sung nguồn nhân lực cho vọng cổ nói riêng và sân khấu cải lương nói chung. Tôi mong muốn là có nhiều đài truyền hình, nhiều địa phương tổ chức phong trào thi ca vọng cổ như thế này hơn nữa để bộ môn nghệ thuật truyền thống của chúng ta được bay cao, bay xa và sống mãi trong lòng công chúng...

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

DẠ TRẦM (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=442
Quay lên trên