Nơi này còn một câu chuyện vui chưa hết
/ tiếng cười chưa dứt / đêm chưa về sáng... / Nơi này còn cần một người để lau
nước mắt / cần một tiếng thở dài đồng cảm / cần một cái lay vai thức tỉnh... (Ở lại đi, Nguyễn Phong Việt) “Ở lại đi” như lời níu kéo cho cuộc tình - có thể vẫn đang mặn nồng; song
người ta thường nghĩ rằng một khi đã như lời van xin, cuộc tình ấy chắc hẳn rồi
sẽ hằn dấu yêu chôn kín... Bởi đó sẽ là ngọt dịu như thứ quả chín đầu mùa, đó là
cảm giác khi ta nhớ về những kỷ niệm ngọt ngào với người yêu mà ta đã từng níu
kéo... Vào một phút giây nào trong cuộc đời, lúc nhàn rỗi hay trong dòng xô đẩy
ngược xuôi, khi đi qua công viên, khi vô tình nghe một bài hát quen thuộc, khi
co ro trong tấm áo mưa rộng thùng thình giữa lòng phố thị một ngày nắng, một
chiều mưa… người ta như bỗng mê đi trong hương thơm thanh dịu và dư vị ngọt ngào
thuở yêu.
Nơi này còn một giấc
ngủ bình yên / còn một cơn gió về thật nhẹ / còn một ánh trăng qua cửa... Nơi này còn những ngày thật ngắn / còn những đêm
thật dài / còn những bình minh một người chưa thức giấc / những hoàng hôn một
người đã chợp mắt... Những câu thơ làm ta bỗng nhận ra, phải chăng thượng đế vốn đã có
chủ đích từ ban đầu khi không cho ta quên đi mối tình ấy (cho dẫu đó chẳng phải
là tình đầu!), dù là những đắng cay. Người bắt chúng ta phải nhớ, hoặc phút giây
nào trong đời bỗng dưng chợt nhớ, để biết đó là những tháng năm với tình yêu mà
người ta ngỡ rằng cả hai đã sống và khát khao hết mình vì những điều tưởng như
không thể; bất chấp thời gian vật lý ngắn, dài, hoàng hôn hay bình minh. Để rồi
đến một lúc phải đắng lòng thốt lên như muốn níu kéo cuộc tình xa dần, ta mới
biết thêm lần nữa rằng hạnh phúc sắp sửa đi qua ta, thấm thía đó là những phút
giây quý giá chẳng thể nào quên. Nơi này còn cần một giọng nói cay đắng / còn cần
một tấm lòng thành thật / còn cần những ước mơ viễn vông... Nơi này giờ đây, tự mình đi trên con đường quen thuộc, tự mình
ngắm lá vàng rơi, tự mình thảng thốt nghe tiếng ai đó gọi, rồi lại tự mình dừng
lại để chụp những bức hình nơi phố quen. Có lẽ, những lời níu kéo sẽ vui hơn, sẽ
đẹp hơn nếu như lòng ta không cô đơn như thế. Vào phút giây nhớ về người xưa bằng
nụ cười và ánh mắt long lanh, ta chợt hiểu mình không còn là cô bé năm xưa bồng
bột và hiếu thắng; cũng không còn nỗi đau và nước mắt, không còn trách, giận và
cố gắng lãng quên. Nơi này còn một giấc ngủ bình yên / còn một cơn
gió về thật nhẹ / còn một ánh trăng qua cửa... Sự níu kéo của “Ở lại đi” mang đến biết bao lời tiếc nuối
của thời để yêu, để nhớ... Giá như cho em trở lại ngày xưa ấy, em sẽ chẳng yêu
anh, chẳng chịu nhận lời mời đi uống nước của anh. Và em cũng sẽ giật tay lại
khi anh vội vàng nắm lấy tay em trong ngày thu ấy. Cái nắm tay của mối tình nhẹ
nhàng quá nhưng lại làm em nhớ vô cùng, nó khiến tim em đập rộn, khiến em cảm
thấy nhớ anh, thương anh... Em không biết, mình phải làm thế nào để quên đi tình
yêu này hả anh. Chỉ tự em làm khổ mình mà thôi. Chỉ để lòng mình tự trôi đi với
những cảm xúc mông lung và vô định. Hãy cho em thời gian, hãy để em trở về thời
khắc xưa, bắt đầu tình yêu mới, có được không anh? Cầu xin anh hãy ra khỏi tâm
trí em, hãy để em quên đi người đàn ông em yêu tha thiết... Vậy đó, sự mâu thuẫn của tình yêu, cho dẫu là cô gái dày dạn tình
trường hay chàng trai chập chững trái tim yêu rung nhịp đập, nói như nhà thơ
Nguyễn Phong Việt, sự níu kéo nhiều khi dễ làm người ta chùng lòng: Ở lại đi
/ nơi này còn cần tất cả!, vì Nơi này còn cần một người để lau nước mắt
/ cần một tiếng thở dài đồng cảm / cần một cái lay vai thức tỉnh...MINH CHÂU