Ông Từ Tấn Thứ, Chánh Văn phòng Sở Y tế: Đôn đốc các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối liên thông

Cập nhật: 29-05-2019 | 08:40:11

Theo thống kê của ngành y tế, tính đến ngày 22-5 mới có 525 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh tham gia kết nối liên thông. Qua ghi nhận, một số cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh cho rằng họ chưa kết nối là do nhiều nguyên nhân... Để hiểu hơn về việc triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh đến nay đã được thực hiện như thế nào, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Từ Tấn Thứ, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế một số vấn đề liên quan...

 - Để các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh tham gia kết nối mạng đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, ngành y tế đã có sự chuẩn bị, hỗ trợ gì cho họ?

- Để triển khai, từ tháng 10- 2018 Sở Y tế đã tổ chức và mời Công ty Viettel tập huấn cho các nhà thuốc để giới thiệu tiện ích của phần mềm. Sở Y tế cũng đã triển khai các văn bản quy định, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế cho các cơ sở bán lẻ và lộ trình bắt buộc kết nối để các nhà thuốc, quầy thuốc biết, chuẩn bị trang bị thiết bị đầy đủ và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình.

Về hỗ trợ, Sở Y tế đã giao các phòng y tế đến đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn các văn bản liên quan về kết nối để các cơ sở bán lẻ có thể lựa chọn các nhà cung cấp được Bộ Y tế công bố với giá cả phù hợp. Sở Y tế cũng đề nghị các công ty cung cấp phần mềm phải bảo đảm được tính cập nhật cao, nhận diện phát hiện được hạn dùng của thuốc, nhận diện mã vạch thuốc để tiện ích cho công tác quản lý nhập - xuất - tồn thuốc tại cơ sở bán lẻ; có khả năng kết nối với các máy đọc mã vạch và các thiết bị thông minh khác…

Hoạt động mua bán thuốc ở một nhà thuốc trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một

Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc chưa tham gia, trong giai đoạn hiện nay chủ yếu vẫn là tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là chính. Tuy nhiên, đến thời hạn quy định nếu không kết nối thì bị xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

- Ông đánh giá thế nào về điều kiện hiện nay của các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh để thực hiện vấn đề này?

- Điều kiện hiện nay của các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh để thực hiện vấn đề này là rất tốt, các nhà thuốc đa số đều có máy tính và kết nối mạng internet nên rất thuận lợi trong việc kết nối liên thông. Nhà cung cấp và triển khai phần mềm nhà thuốc như Viettel, các công ty cung ứng phần mềm được Bộ Y tế công bố đều có nhân viên cài đặt và hướng dẫn ở tất cả các địa bàn. Bên cạnh đó, Viettel sẽ hỗ trợ những nhà thuốc tham gia kết nối mạng như giảm giá khi sử dụng kết nối đường truyền internet, hỗ trợ khuyến mãi tặng tháng sử dụng miễn phí cho các nhà thuốc khi triển khai ký hợp đồng.

- Lộ trình triển khai thực hiện đềán này trên địa bàn tỉnh như thế nào? Khi nào Bình Dương mới hoàn thành việc kết nối mạng tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, thưa ông?

- Theo lộ trình, đến ngày 30- 4-2019 sẽ hoàn thành kết nối đối với các nhà thuốc (toàn tỉnh hiện có 750 cơ sở nhà thuốc). Để thực hiện, một số đơn vị cung cấp phần mềm phối hợp với văn phòng Sở Y tế, phòng y tế các huyện, thị, thành phố và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tiến hành cài đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các nhà thuốc. Tuy nhiên, đến nay, mới có 525 cơ sở nhà thuốc tham gia kết nối. Trong đó có 170/525 (32,38%) cơ sở nhập liệu, liên thông dữ liệu lên hệ thống; 355/525 (67,62%) cơ sở đã kết nối (được cấp tài khoản liên thông) nhưng chưa cập nhật dữ liệu lên hệ thống. Ngành y tế cũng đã xây dựng kế hoạch tập huấn và đang tiến hành triển khai cài đặt hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các quầy thuốc bán lẻ, tủ thuốc trạm y tế. Việc làm này sẽ hoàn thành trước ngày 30-8-2019. Theo quy định, các cơ sở còn lại sẽ phải triển khai thực hiện kết nối trước ngày 1-1-2020.

Như vậy, ngày 1-1-2020 là thời điểm cuối cùng để các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn hoàn thành việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia theo kế hoạch của Bộ Y tế.

- Như vậy, việc thực hiện kết nối mạng nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh còn chậm hơn so với một số tỉnh, thành khác?

- Thực tế Bình Dương cũng đang triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng còn chậm hơn một số tỉnh, thành khác là do một số nguyên nhân khách quan.

Toàn tỉnh mới có 525/750 nhà thuốc thực hiện kết nối liên thông. Việc kết nối mạng các nhà thuốc có chậm, chưa hoàn thành 100% là do phần mềm kết nối phải hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm, nhưng hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp phần mềm này nên các nhà thuốc còn cân nhắc trong lựa chọn nhà cung cấp. Bên cạnh đó, họ còn phải cài đặt wifi, thuê chuyên gia kết nối, trả tiền phí hàng năm, thuê nhân viên làm công nghệ thông tin... trong khi đó, thu nhập của nhiều nhà thuốc bán lẻ còn thấp nên họ cho rằng không đủ kinh phí để làm những việc này.

- Qua thăm hỏi tại một số cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh, họ cho biết, do thu nhập ít, trình độ công nghệ thông tin hạn chế và sợ lộ thông tin khách hàng... nên chưa sẵn sàng tham gia kết nối, thậm chí sẽ đóng cửa cơ sở nếu bắt buộc họ tham gia. Về điều này, ngành y tế có ý kiến gì và có hướng chia sẻ như thế nào với những khó khăn mà các nhà thuốc, quầy thuốc đang gặp phải, thưa ông?

- Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này trên địa bàn tỉnh, ngành y tế cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh như trên. Rõ ràng, ngành y tế đã và đang chia sẻ với các nhà thuốc, quầy thuốc trong việc giải quyết những vấn đề này như giới thiệu những nhà cung cấp phần mềm bảo đảm, có giá cả phải chăng để họ lựa chọn. Vấn đề còn lại là do họ quyết định.

Những nhà thuốc còn trì hoãn, tránh né, chưa chủ động triển khai là vì họ sợ bị kiểm soát. Mặt khác một số chủ nhà thuốc, quầy thuốc có trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế nên rất khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối. Do đó, muốn triển khai hết các nhà thuốc còn lại đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác truyền thông về những lợi ích mang lại; đồng thời các phòng y tế huyện, thị, thành phố phải cử người đi cùng với nhân viên đơn vị cung cấp phần mềm đến từng nhà thuốc truyền thông, thuyết phục họ tham gia. Ngành y tế cũng đã cung cấp thông tin các nhà thuốc trên toàn tỉnh cho các nhà cung cấp để gọi điện truyền thông, thuyết phục nhà thuốc tham gia triển khai.

- Lâu nay, các cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động khá tự do, không phải cung cấp mọi thông tin từ khách hàng đến các loại thuốc đang bán. Bây giờ, quy định này ra đời đã“gò” họ vào khuôn khổ nên họ vẫn còn chần chờ, né tránh. Đối với những nhà thuốc còn né tránh, không chịu tham gia kết nối... ngành y tế sẽ có biện pháp gì để việc triển khai quy định trên được thực hiện đúng lộ trình, thưa ông?

- Thật ra, quy định nào của Nhà nước đề ra đều tính đến những lợi ích thiết thực mang lại, nên họ cũng không phản đối đâu. Do lâu nay hoạt động tự do, giờ có quy định này đưa họ vào quản lý chặt hơn nên họ cảm thấy chưa quen thôi. Mặt khác, theo quy định của Chính phủ, trong thời gian tới sẽ có rất nhiều quầy thuốc bán lẻ sẽ phải dừng hoạt động và bị “xóa sổ” nếu không chuyển lên nhà thuốc. Vì thế, trong thời điểm này nếu họ bỏ tiền ra mua phần mềm, rồi chỉ hoạt động được một thời gian sẽ bị xóa sổ nên họ phải cân nhắc, đắn đo là đúng rồi.

Giải pháp mà ngành y tế đang tập trung thực hiện hiện nay là thông qua phòng y tế các huyện, thị, thành phố đôn đốc, nhắc nhở các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn thực hiện kết nối đúng lộ trình mà ngành đã đề ra, bởi quy định là bắt buộc, không thể né tránh được. Hiện nay, chưa có hình thức nào để xử phạt họ cả vì vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm quy định bắt buộc phải hoàn thành kết nối, nếu họvẫn không tham gia thìchúng tôi sẽ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

- Xin cảm ơn ông! 

Theo thống kê trên hệ thống dữ liệu dược quốc gia, tính đến ngày 22-5, trên địa bàn tỉnh có 1.800 cơ sở bán lẻ thuốc tân dược đạt GPP, nhưng mới có 525/1.800 (29%) cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối liên thông cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Các nhà thuốc này đã được ký hợp đồng sử dụng, cài đặt phần mềm và hướng dẫn sử dụng từ nhà cung cấp Viettel. Ngoài ra, các công ty cung ứng phần mềm như Công ty TNHH SXTM & DV Song Ân, Công ty Cổ phần phần mềm Effect, VNPT chi nhánh Bình Dương cũng đang triển khai cung cấp phần mền cho các nhà thuốc có nhu cầu kết nối.


HỒNG THUẬN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1361
Quay lên trên