Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh?
Trong giai đoạn sớm của bệnh có khi bệnh nhân chưa nhìn mờ hoặc nhìn mờ ít nhưng đã có những tổn thương ở võng mạc. Do đó khi bị tiểu đường, người bệnh nên đi khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thầy thuốc sẽ soi đáy mắt, chụp hình màu võng mạc, chụp hình võng mạc có chích thuốc cản quang nhằm phát hiện sớm các tổn thương trên võng mạc và sẽ quyết định có điều trị bằng tia laser hay không.
Bệnh có khả năng điều trị được hay không? Điều trị như thế nào?
Bệnh võng mạc tiểu đường có khả năng điều trị được bằng những cách sau:
a) Điều trị bằng tia laser
Mục đích là làm chậm lại sự tiến triển nặng hơn của bệnh, do đó giúp cho bệnh nhân giữ được thị lực còn lại lâu hơn.
- Khi hoàng điểm bị phù, laser được dùng để bịt kín những mạch máu bị dãn ra.
- Khi có những vùng võng mạc bị thiếu nuôi dưỡng do bị tắc mạch máu, laser được dùng để ngăn ngừa sự mọc ra của những mạch máu bất thường.
b) Điều trị bằng thuốc
Nhằm tăng cường oxy đến nuôi dưỡng võng mạc và tạo thuận lợi cho sự tan máu ở võng mạc như: Tanakan, Duxil…
c) Điều trị bằng phẫu thuật
Những mạch máu bất thường ở võng mạc có thể bị vỡ ra gây chảy máu trong mắt hoặc có biến chứng bong võng mạc cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?
Để phòng ngừa và ngăn chặn mù lòa của bệnh võng mạc tiểu đường cần sự phối hợp đồng bộ giữa thầy thuốc nội tiết chuyên khoa về tiểu đường, thầy thuốc chuyên khoa đáy mắt và người bệnh tiểu đường tuân thủ sự hướng dẫn theo dõi bệnh của thầy thuốc. Ở những người bệnh tiểu đường từ 5 năm trở lên ngoài việc luôn giữ cho đường huyết trong máu thật ổn định ở mức cho phép thì cần phải khám đáy mắt định kỳ hoặc khám theo lời dặn của thầy thuốc khi đã có dấu hiệu bệnh võng mạc tiểu đường. Bên cạnh đó, người mắc bệnh tiểu đường thường kèm theo bệnh lý khác như cao huyết áp, suy thận thì càng phải điều trị ổn định các bệnh này vì chúng làm cho bệnh võng mạc tiểu đường càng nặng thêm.
BS. NGUYỄN THỊ BẠCH TUYẾT