Phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi: Nỗ lực từ các địa phương

Cập nhật: 31-05-2019 | 11:40:04

Hiện các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Đối với các hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh, công tác này được thực hiện rốt ráo.

Cán bộ thú y TX.Thuận An kiểm tra việc vận chuyển đàn heo. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Chủ động phòng chống bệnh dịch

Hiện trên địa bàn TX.Thuận An có 152 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn heo trên 5.200 con, hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ông Khiếu Quang Lận, Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã, cho biết trước khi bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai, Bình Phước, đơn vị đã tham mưu UBND thị xã ban hành kế hoạch ứng phó, đồng thời phối hợp với Đài Truyền thanh thị xã làm chuyên đề dịch tả heo châu Phi tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi không hoang mang; tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, trạm đã cấp phát hóa chất cho các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch; chỉ đạo cán bộ thú y đi cơ sở nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để có hướng xử lý kịp thời, không để xảy ra trên diện rộng...

Anh Phạm Văn Khuyên, ở khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa, TX.Thuận An - chủ hộ chăn nuôi, cho hay gia đình anh đang nuôi 90 con heo lớn nhỏ. Ngay khi nghe bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại các địa phương giáp Bình Dương, anh rất lo vì đàn heo là cả tài sản của gia đình. Để phòng ngừa bệnh trên đàn heo gia đình, anh mua vôi và thuốc về sát trùng chuồng trại, không cho heo ăn các thức ăn dư thừa từ các bếp ăn tập thể và không cho người lạ vào chuồng.

Theo bà Trần Thị Ngọc Bích, chủ cơ sở giết mổ Hợp tác xã dịch vụ thương mại Bình Hòa, khi nghe tin về bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại một số địa phương trong cả nước bà rất lo lắng. Mặc dù vậy, cơ sở của bà thực hiện tốt các quy định về phòng ngừa dịch bệnh nên khách hàng vẫn ổn định.

Huyện Dầu Tiếng hiện có tổng đàn heo trên 199.610 con. Ông Huỳnh Lê Khang, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết trước tình hình dịch bệnh xảy ra tại huyện Phú Giáo, trạm đã tham mưu UBND huyện Dầu Tiếng ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi; xây dựng kế hoạch thành lập 3 chốt trọng điểm kiểm dịch động vật lưu động nếu xuất hiện bệnh; đồng thời xây dựng 12 địa điểm xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm khi xảy ra bệnh tại 12 xã,

Thời gian qua, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan bệnh dịch. Địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hiểu bệnh dịch tả heo châu Phi không lây sang động vật nuôi khác, không lây sang người. Vì vậy người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay sản phẩm thịt heo an toàn.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Ngày 24-5, ngành chức năng của TX.Tân Uyên đã phát hiện một mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi tại hộ ông Huỳnh Ngọc Nơi (ấp 3, xã Hội Nghĩa), trạm đã phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã và chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn heo với tổng trọng lượng 910kg. Việc UBND xã Hội Nghĩa phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã tiêu hủy toàn bộ đàn heo này ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi là để tránh phát tán mầm bệnh.

Theo đánh giá, nguy cơ lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TX.Tân Uyên là rất cao. Lý do, qua việc kinh doanh buôn bán, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc từ các địa phương khác vào địa bàn thị xã để giết mổ, tiêu thụ (không loại trừ heo có mang mầm bệnh) đang diễn ra hết sức phức tạp; cùng với đó thời điểm này heo rớt giá, các thương lái ép giá nên nhiều gia đình chăn nuôi không bán, dẫn đến tồn động heo thịt.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TX.Tân Uyên ngày 29-5, ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã, yêu cầu các xã, phường triển khai ngay đến các khu, ấp kiểm soát những điểm mổ heo tại nhà; đội kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra các chợ, điểm mua bán thịt heo nếu không có dấu kiểm dịch động vật phải tịch thu, tiêu hủy.

Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cũng yêu cầu các xã, phường được thành lập chốt kiểm dịch khẩn trương ra quyết định thành lập tổ trực, Trạm Thú y thị xã tham mưu xây dựng quy chế chung ở 6 chốt kiểm dịch thị xã đã ban hành quyết định thành lập. Ông cũng đề nghị xã Hội Nghĩa theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn; làm tốt công tác dự phòng, dự báo phòng chống dịch; kiểm tra đánh giá vệ sinh môi trường nơi xảy ra dịch bệnh…

Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên khẳng định, để ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi một cách hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các ban, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, người chăn nuôi và toàn xã hội. Có như vậy mới bảo vệ được đàn heo, qua đó bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết theo chỉ đạo, ngành chăn nuôi đang gấp rút chuẩn bị quy trình phòng chống và xử lý bệnh dịch tả heo châu Phi bằng đồ họa để kịp thời phổ biến đến địa phương và các hộ chăn nuôi. Ngành chăn nuôi cũng đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về số tiền hỗ trợ cho các cơ sở, hộ chăn nuôi. Theo ông Cường, hiện công tác tiêu hủy số heo bị bệnh của ngành chức năng còn gặp khó khăn khi tính hỗ trợ bằng kg để cân heo. Vì vậy, ngành đã tham mưu cấp trên hỗ trợ được tính theo con; mức hỗ trợ được đề xuất từ 300.000 đồng đến 4,5 triệu đồng.

PHƯƠNG AN - TIỂU MY - HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1470
Quay lên trên