Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: Chuyển biến tích cực và lan tỏa sâu rộng

Cập nhật: 31-08-2022 | 08:11:54

Sau gần 22 năm triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) đã lan tỏa sâu rộng, tác động đến mọi mặt đời sống xã hội trong toàn tỉnh. Các tiêu chí của phong trào ngày càng được đổi mới theo hướng phù hợp, sát với thực tiễn, từ đó đã huy động được sức mạnh nội lực, phát huy hiệu quả các nội dung phong trào, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

 Một trong những hoa viên trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương

 Chuyển biến tích cực

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh đã được cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từ phong trào này đã làm xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trong toàn tỉnh.

Điển hình, trong quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” ở TP.Thuận An có 3 mô hình được triển khai rất hiệu quả là: “Khu phố không rác”, “Tuyến phố văn minh đô thị” và “Chợ văn minh thương mại”. Ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An, cho biết qua triển khai thực hiện 3 mô hình này, các địa phương và các ngành chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, vận động nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác trong việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Từ ý thức, mọi người đã cùng hành động bằng những việc làm cụ thể, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị TP.Thuận An ngày càng sạch - đẹp hơn.

Ở TX.Bến Cát, từ năm 2013, địa phương này đã triển khai mô hình “Hạn chế rải giấy tiền vàng mã khi đưa đám tang” tại phường Thới Hòa, góp phần vận động hộ gia đình có hữu sự, tang gia thực hiện không rải giấy tiền vàng mã từ nhà đến nơi an táng nhằm bảo vệ môi trường, tiết kiệm, chống lãng phí. Còn ở huyện Dầu Tiếng có mô hình “Ánh sáng an ninh nông thôn” rất hiệu quả. Với phương châm “Đường khu dân cư đến đâu, đèn đến đó”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và cơ sở tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp lắp đặt bóng đèn ở các khu dân cư. Qua tuyên truyền vận động, các hộ dân sống dọc theo các tuyến đường thực hiện mô hình “Ánh sáng an ninh nông thôn” đã thấy được lợi ích của mô hình và tự nguyện đóng góp kinh phí mua bóng đèn, dây điện và đóng tiền điện hàng tháng. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn, góp phần tích cực trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Lan tỏa, nâng cao chất lượng

Các nội dung, tiêu chí trong phong trào TDĐKXDĐSVH đều gắn với thực tế cuộc sống, từ đó người dân đã thấy được ý nghĩa thiết thực mà các phong trào mang lại nên càng tích cực thực hiện. Những chuyển biến rõ nét dễ nhận thấy nhất đó là việc xây dựng gia đình văn hóa. Trong xã hội phát triển hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình vẫn giữ được nếp sống gia đình mình với những truyền thống tốt đẹp. Một trong những điển hình về xây dựng gia đình văn hóa ở cơ sở là gia đình bà Nguyễn Thị Nga, ở khu phố Chánh Lộc 2, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Dù điều kiện kinh tế thuộc diện khá giả, nhưng vợ chồng bà vẫn sống chung cùng gia đình 2 con trong một mái nhà. Vợ chồng bà Nga luôn làm gương cho con cháu và luôn giữ không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, hạnh phúc. Từ tấm gương của ông bà, con cháu của vợ chồng bà Nga đã học tập được rất nhiều điều trong đối nhân xử thế, sống hòa thuận, yêu thương, giúp đỡ nhau và đặc biệt là luôn sẵn sàng góp sức xây dựng địa phương, khu phố.

Cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến cũng được phát động trong toàn dân, trở thành mục tiêu trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trong mỗi dòng họ, mỗi gia đình. Qua thực hiện phong trào đã làm xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh vừa qua, phong trào được tiếp tục phát huy, lan tỏa mạnh mẽ thông qua các hoạt động nghĩa tình chung sức chống dịch bệnh.

Đánh giá về hiệu quả của phong trào TDĐKXDĐSVH, ông Lê Văn Thái cho biết những kết quả đạt được của phong trào đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, ổn định chính trị, giữ vững an ninh - trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Hiệu quả của phong trào đã thể hiện trong mọi mặt cuộc sống, vì thế theo ông Thái, việc nâng cao chất lượng, đưa phong trào tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, thực chất hơn luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình thực hiện. “Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã quán triệt và yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc bình xét các danh hiệu văn hóa. Chỉ khi nhận thức đúng tính thực chất của các danh hiệu văn hóa được tôn vinh thì người dân mới hiểu được việc thực hiện tốt các nội dung phong trào sẽ mang lại ý nghĩa với cuộc sống của mình như thế nào”, ông Thái nói.

Đến nay, phong trào TDĐKXDĐSVH đã triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gần 22 năm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tin rằng, phong trào sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nên những kết quả tốt đẹp góp phần xây dựng Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 Năm 2000, toàn tỉnh có 114.759/140.725 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (tỷ lệ 81,54%); đến năm 2021 có 273.521/283.695 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (tỷ lệ 96,41%). Năm 2000, toàn tỉnh có 238/432 khu phố, ấp đạt văn hóa (tỷ lệ 55,09%); đến năm 2021 có 332/336 khu phố đạt văn hóa (tỷ lệ 98,81%) và 245/249 ấp đạt văn hóa (tỷ lệ 98,39%). Năm 2011, tỉnh có 4.145/6.472 khu nhà trọ đăng ký đạt văn hóa (tỷ lệ 64,04%); đến năm 2021 có 16.748/22.667 khu nhà trọ đạt văn hóa (tỷ lệ 73,89%%).

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=559
Quay lên trên