Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đồng bộ, khoa học, nâng tầm phát triển

Cập nhật: 16-03-2022 | 08:21:53

Hiện nay, Bình Dương đang tham khảo ý kiến các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhằm thực hiện công tác quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu dài hạn đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ nhân tài khoa học, tạo nền tảng vươn tầm cho các thời kỳ tiếp theo.

 Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tạo nền tảng vươn tầm phát triển. Trong ảnh: Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch phát triển bài bản, khoa học

Hình thành không gian đô thị văn minh, hiện đại

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các quy hoạch chung đô thị cũng được phê duyệt, trong đó có 5 khu vực phía nam của tỉnh gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên, các đô thị phía bắc của tỉnh có thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), Phước Vĩnh - Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), Tân Thành và Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), Lai Uyên (huyện Bàu Bàng).

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Công tác lập, phê duyệt và rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành như xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, chất thải rắn, nghĩa trang… trên địa bàn tỉnh được địa phương quan tâm thực hiện”.

Bên cạnh đó, công tác quản lý phát triển đô thị được tỉnh quan tâm chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn. Bình Dương tập trung lập và phê duyệt các chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và các chương trình phát triển cho các đô thị (TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên). Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Bình Dương đạt 82% .

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Sự đóng góp của các nhà khoa học rất quan trọng. Lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo đảm phát huy được vai trò, vị thế của tỉnh Bình Dương luôn là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tiếp tục thảo luận, nghiên cứu, cùng các chuyên gia tích cực tham gia hoàn thiện quy hoạch và phải bảo đảm sự tương thích, tính thống nhất, liên kết, đồng bộ với quy hoạch cấp vùng. Đồng thời, phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh, vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng vươn tầm phát triển cho các thời kỳ tiếp theo.

Nền tảng phát triển

Thực hiện quy hoạch mang tầm nhìn chiến lược, Bình Dương từ một địa phương có thu nhập thấp đã trở thành có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, thách thức của Bình Dương trong việc tránh sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn thu nhập trung bình để bước vào giai đoạn phát triển có thu nhập cao là rất lớn, có khả năng là địa phương đầu tiên trên cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, duy trì được tốc độ tăng trưởng, trở thành khu vực có thu nhập cao với GDP bình quân đầu người tối thiểu 12.000 đô la Mỹ, Bình Dương đang thực hiện công tác quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu dài hạn đưa Bình Dương trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài khoa học.

Theo nội dung của “Khung định hướng quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Bình Dương phải vượt qua được “bẫy thu nhập trung bình” theo chiến lược 6 trụ cột, gồm: Tránh bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; tránh bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; tránh bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; tránh bẫy môi trường sinh thái thông qua phát triển bền vững; tránh bẫy phụ thuộc thông qua phát triển đa phương; tránh bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển đồng đều.

Để đạt các mục tiêu trên, theo đơn vị tư vấn (hãng BCG), Bình Dương muốn vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, vươn lên thu nhập tốt phải lấy người dân làm trung tâm trong tất cả các chiến lược và thu hút người dân sinh sống. Đại diện BCG đánh giá Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển kinh tế - xã hội lớn của cả nước. Bày tỏ tin tưởng với những xu hướng, chiến lược, tầm nhìn, Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trở thành trung tâm công nghệ quốc gia.

Đề xuất phương pháp luận cho quy hoạch tỉnh Bình Dương, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, quy hoạch và thực tiễn phải song hành với nhau. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh cần lồng ghép các quy hoạch chuyên ngành để thực hiện quy hoạch được linh hoạt hơn. PGS-TS Nguyễn Hồng Thục cũng chỉ ra những lợi thế rất lớn của Bình Dương để phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp. Trong đó, vị trí địa lý đóng vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của Bình Dương. Bà Thục cũng đề xuất 6 trụ cột và mục tiêu phát triển mà quy hoạch tỉnh Bình Dương cần quan tâm là phát triển kế thừa, đổi mới sáng tạo, phát triển tích hợp, phát triển xanh, phát triển mở và phát triển tổng thể.

 PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=926
Quay lên trên