Quy Nhơn – Bình Định, vẻ đẹp tiềm ẩn

Cập nhật: 25-06-2013 | 00:00:00

(BDO) Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đúc kết “Nơi nào càng đẹp trong thơ ca, âm nhạc, điện ảnh thì trong thực tế sẽ ngược lại”, vì thế vẻ đẹp miền Trung lâu nay chỉ mới là đề tài của các thi sỹ, nhạc sỹ nhưng với du lịch thì còn lắm hoang sơ nên sẽ không kém phần hấp dẫn!

 

Các nhà báo chụp ảnh lưu niệm tại Đàn Tế Trời Đất, thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Về vùng “Đất võ, trời văn”

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Thanh Thắng:

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Với tiềm năng, lợi thế sẳn có, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành du lịch địa phương quan tâm đầu tư, phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây cũng là động lực để kết nối, phát triển kinh tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước cho các thế hệ, UBND tỉnh Bình Định đã đầu tư, tôn tạo lại hệ thống các di tích lịch sử như: Bảo tàng Quang Trung; đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt; Đền tế trời đất trên núi Ấn Sơn, nơi tương truyền cả ba anh em nhà Tây Sơn được thượng đế trao tận tay ấn kiếm mang dòng chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Những di tích đó hiện nay đã trở thành đểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh quan trọng, hàng năm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ

Khám phá du lịch Bình Định

Tiếp nối thành công trong việc phối hợp với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Vietravel đã và đang tổ chức khai thác có hiệu quả những điểm du lịch mới, hấp dẫn trong năm 2013, trong đó có Quy Nhơn – Bình Định. Đây là một phần nỗ lực của Vietravel nhằm góp phần đưa du lịch miền Trung cất cánh.

Với chiến lược phát triển đầy tính chủ động, sáng tạo, dựa trên sức mạnh nội lực là chính, Vietravel đã không ngừng tìm kiếm những điểm đến mới mẽ, hoang sơ và hấp dẫn để mang đến cho du khách những trãi nghiệm tuyệt vời. Trong đó, nhiệm vụ phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch nội địa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Du lịch bằng đường hàng không mà Vietravel đem lại, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị như: Được tận mắt nhìn thấy các thành phố lớn từ trên cao, dãy Trường Sơn trùng điệp; bãi biển miền trung xanh biếc với bờ cát vàng uốn lượn thướt tha như dãi lụa dài tung bay trong gió...

Với chiều dài bờ biển trên 130 km, Bình Định có nhiều vùng vịnh, bãi tắm nổi tiếng thuộc hàng danh thắng như: đầm Thị Nại, hòn Vọng Phu, bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu, Tam Quang, Tân Thanh, Vĩnh Hội…

Bình Định còn là trung tâm của trục giao thông Bắc – Nam với cả 4 loại hình giao thông, là cửa ngỏ ra biển gần nhất, thuận lợi nhất cùa vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội được xây dựng sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tạo cho Bình Định một lợi thế vượt trội trong giao lưu kinh tế khu vực và quốc tế.

Bình Định còn là nơi được mệnh danh “Đất võ, Trời Văn”, quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng như: Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan…Cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như hát tuồng, hát bài chòi, nhạc võ Tây Sơn…

Nơi đây còn có các di tích lịch sử gắn với cuộc cách mạng của nông dân Tây Sơn và tên tuổi của người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Đó là cây me cổ thụ trên 200 tuổi nằm trong quần thể Bảo tàng Quang Trung gồm: Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt; Nhà trưng bày các di tích lịch sử, trong đó nổi tiếng là 2 con voi bằng đá, chiếc trống trận Tây Sơn làm bằng da voi do người BaNa chế tạo, cùng nhiều đồ binh khí: súng thần công, súng hỏa hổ, chiến thuyền Tây Sơn

Thưởng thức món ăn “tinh thần”

Được đặt chân lên vùng đất một thời là đại bản doanh của quân khởi nghĩa Tây Sơn và nghe câu chuyện nổi tiếng giữa Hoàng đế Quang Trung và vị quân sư trong sách La Sơn Phu Tử mới thấy thấm làm sao, rằng: “Tôi mà dẹp được giặc Tàu xong thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu. Nguyễn Thiếp thưa: Chỉ có thuốc bắc phải dùng của Tàu thôi”.

Rời bảo tàng Bảo tàng Quang Trung, được tận mắt ngắm nhìn dòng sông Côn mênh mông với bến Trường Trầu, nơi Nguyễn Nhạc từng buôn bán và kêu gọi nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số đứng lên phất cờ khởi nghĩa càng làm cho lòng du khách thêm phấn chấn. Hay tại núi Ấn Thiên, nơi linh thiêng nhất và cũng chính là nơi ba anh em nhà Tây Sơn được trời đất trao ấn kiếm với dòng chữ “Sơn Hà Xã Tắc”, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất bờ cõi. Tưởng nhớ công lao to lớn đó, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã xây dựng, tôn tạo nơi đây thành Đàn tế trời đất để nhân dân mọi miền đất nước được tiếp cận thực tế lịch sử, thể hiện tấm lòng với các bậc tiền nhân.

Trong quần thể du lịch Tây Sơn còn có khu du lịch Hầm Hô, quê hương và cũng là căn cứ huấn luyện voi chiến của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ngoài tham quan di tích, du khách còn được thưởng ngoạn nhiều đặc sản mang đậm hương vị “cây nhà là vườn” như: ốc đá, cá suối, chim mía. Còn rất nhiều địa danh, điểm đến hấp dẫn khác trên vùng “đất võ, trời văn” để du khách chiêm ngưỡng như hệ thống các tháp chăm, làng nghề, lò võ…

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=542
Quay lên trên