Say nắng, bệnh mùa nóng và hướng xử lý

Cập nhật: 12-04-2014 | 00:00:00

Nếu không cẩn thận và cho trẻ chơi quá lâu trong thời tiết nóng như hiện nay, trẻ dễ mắc chứng say nắng. Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tư vấn về vấn đề này.

Bệnh hay gặp vào lúc giữa trưa, khi trời nắng gay gắt, có nhiều tia tử ngoại. Say nắng nặng có thể gây tử vong. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị say nắng: Mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, mặt đỏ gay, thân nhiệt lên đến 41 độ C; nhịp thở yếu, nhanh; mạch yếu, khó bắt, hoặc không còn. Ngoài ra, trường hợp say nắng nặng, trẻ sẽ hôn mê hoàn toàn và lên những cơn co giật.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện say nắng, cần sơ cứu ngay như sau: Đưa trẻ vào nơi có bóng mát và thoáng, cởi hết quần áo (trẻ nhỏ) hoặc cởi bớt quần áo (trẻ lớn); quạt mát, tránh tụ tập đông người xung quanh, lau mát cho trẻ nếu có thể được; cho trẻ uống nước (nếu trẻ còn tỉnh), uống chậm, từng muỗng hoặc từng ngụm.

Bên cạnh đó, hiện nay đang là thời điểm có thể bùng phát 2 dịch bệnh: Bệnh cúm A và tay chân miệng. Khi bé có biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi, mẹ cần đeo khẩu trang cho bé, dạy bé che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi hoặc trẻ có nốt đỏ lòng bàn tay, bàn chân… cần đưa bé đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.

Cách chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bé, bao gồm vệ sinh cá nhân và bảo đảm ăn chín, uống sôi. Nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh, cho bé đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh nhiễm khuẩn, bụi bẩn; rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng. Đồng thời, người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho bé. Khi trời nóng cần cho bé ăn mặc thoáng mát, thường xuyên lau mồ hôi khi bé vận động nhiều. Khi ra đường nắng nóng phải mặc áo chống nắng kín cho trẻ, đội nón rộng vành.

Về dinh dưỡng, do bé thường xuyên vận động trong thời tiết nóng bức, ra mồ hôi nhiều nên dễ bị mất nước, vì vậy các mẹ chú ý cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày với các loại nước uống có giá trị dinh dưỡng như nước cam, chanh, các loại nước ép từ quả tươi, sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua... Bữa ăn của trẻ phải được bảo đảm đủ dinh dưỡng giàu canxi, vitamine. Hạn chế ăn kem, nhất là kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bị tổn thương, dẫn đến dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày, không nên cho trẻ đến trường vì khi đó sức đề kháng của trẻ yếu, có thể lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác, đồng thời có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các bạn cùng lớp...

  QUỲNH NHƯ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên