Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thích hợp, chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng nhanh và tạo ra vùng trồng cây có múi lớn, đạt chất lượng tại vùng Đông Nam bộ. Để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng tìm giải pháp thiết thực nhằm giúp thương hiệu cây có múi Bình Dương phát triển bền vững.
Chăm sóc cây có múi tại trang trại địa bàn xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên
Cây có múi phát triển mạnh
Trong những năm gần đây, cây ăn trái ở Nam bộ có bước tăng trưởng khá nhanh, cả về diện tích, cơ cấu cây trồng và sản lượng, trong đó, cây có múi có một đóng góp rất quan trọng vào sự phát triền này. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, khu vực Nam bộ hiện có trên 86.000 ha diện tích chuyên canh cây có múi, chiếm trên 18,4% diện tích cây ăn quả của vùng với sản lượng trái hàng năm đạt trên 985.000 tấn, chiếm trên 57% sản lượng trái cây của vùng. Ở nhiều địa phương đã phát triển khá nóng diện tích cây có múi, từ đó kéo theo những lo ngại về sản lượng, đầu ra. Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, trong tổng số hơn 103.000 ha trồng cây có múi đang có 760 ha bị vàng lá thối rễ khiến các nhà vườn lo lắng. Đây được xem là hệ lụy của việc ồ ạt sản xuất mà không chú trọng đến quy hoạch đất đai và khí hậu của các ngành chức năng.
Hiện nay, theo nhận xét của các chuyên gia nông nghiệp, nông dân có trình độ và tập quán canh tác cây ăn trái rất tốt, đã có những chính sách quy hoạch cây ăn trái đặc sản địa phương, trong đó vùng Đông Nam bộ có rất nhiều địa phương phát triển cây có múi. Tại Bình Dương, những năm gần đây, với chủ trương phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh, diện tích cây ăn trái có múi như cam, bưởi da xanh, quýt và chanh giấy không hạt trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng với diện tích lớn. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất nông nghiệp như: Quyết định số 11/2014/QĐ-UBND, ngày 8-4-2014 về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 63/2016/QĐ-UBND, ngày 20-12-2016 quy định về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, ngày 17-2-2016 quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 thông qua việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp đã góp phần giúp người nông dân đầu tư, thâm canh mở rộng diện tích sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, tổng diện tích trồng mới cây có múi là 2.142,4 ha, trong đó có 213,4 ha cấp giấy chứng nhận VietGAP. với việc đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể trái cây có múi Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên hy vọng trong thời gian đến thương hiệu này sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh phù hợp các loại cây có múi của Bình Dương cho các loại cây có múi sinh trưởng và phát triển tốt đang được đánh giá cao về chất lượng so với các vùng lân cận. Lợi nhuận thu được từ việc trồng cây có múi cao chính là động lực để người dân mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang loại cây có múi như: Bưởi, cam, quýt... Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, lợi nhuận từ việc trồng bưởi da xanh đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên; cam sành 300 triệu đồng/ha, quýt 400 triệu đồng/ha/năm… cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Tuy nhiên, một tình trạng đáng báo động là mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh đã có quy hoạch diện tích phát triển sản xuất cụ thể nhưng vẫn còn một số hộ trồng tự phát chưa theo quy hoạch dẫn đến việc trồng cây có múi tràn lan theo tâm lý lây lan của người dân. Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ còn hạn chế (ngoại trừ Công ty U&I, một số hợp tác xã (HTX) có đầu ra ổn định), quá trình lưu thông sản phẩm trên thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái.
Phát triển nhưng phải tuân theo quy hoạch
Hiện nay, diện tích cây có múi đang có xu hướng phát triển. Theo thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, huyện đã đề ra chương trình phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi ở những vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi; hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi gắn với bảo vệ môi trường, nâng giá trị sản lượng cây ăn trái có múi canh tác đạt bình quân một tỷ đồng/ha. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tạo vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với diện tích 2.000 ha. Các địa phương khác như TX.Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng cũng đã và đang phát triển nhiều vùng chuyên canh cây có múi. Tuy nhiên, giá nhiều loại cây có múi, đặc biệt là cam sành, đã sụt giảm mạnh, khiến các nhà vườn lo lắng ( từ 10 - 40%). Đây được xem là hệ lụy của việc ồ ạt sản xuất mà không chú trọng đến đầu ra. Nguyên nhân của vấn đề một phần do việc trồng tự phát không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung và phụ thuộc vào thương lái. Trừ những doanh nghiệp, trang trại có diện tích lớn như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy, HTX Cây ăn quả Tân Mỹ... và một số trang trại sản xuất cây có múi tổ chức sản xuất và tiêu thụ khá hiệu quả. Còn lại hầu hết HTX, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được tiêu thụ chủ yếu qua các thương lái và dĩ nhiên phụ thuộc vào thương lái...
Theo các chuyên gia, các ngành cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và chuỗi cung ứng cho người dân trồng trọt vì hiện nay người sản xuất không biết gì về thị trường tiêu thụ mà chủ yếu họ bán qua thương lái. Các chuyên gia cũng cho rằng chúng ta cần phổ biến đến người tiêu dùng để phân biệt được sản phẩm nào sản xuất theo GAP sản phẩm nào sản xuất bình thường, từ đó giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phù hợp với túi tiền với nhu cầu của họ. Đây cũng là cơ sở để giúp sản phẩm của người nông dân làm ra có giá trị cao hơn.
Theo Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiệp, đặc biệt là trái cây có múi được sở đẩy mạnh. Sở thường xuyên vận động, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, trang trại và cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, phiên chợ nông sản an toàn trong và ngoài địa bàn tỉnh nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn của tỉnh. Hiện nay, sở đang đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của địa phương Bình Dương tại các chợ đầu mối vì tại đây lượng hàng tiêu thụ lớn, chất lượng hàng hóa dễ lan tỏa nhanh trong cộng đồng. Sở cũng đã đặt vấn đề mong muốn Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây có múi tại thị trường TP.Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh khẳng định sẽ làm việc với giám đốc 3 chợ đầu mối và các siêu thị lớn để hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho trái cây có múi Bình Dương. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho sản phẩm trái cây có múi của địa phương. Tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo các công ty, HTX, hộ gia đình chuyên canh cần chú ý đến vấn đề bảo đảm giữ vững chất lượng cho loại cây đang có lợi thế trên thị trường, sản xuất theo quy hoạch nhằm cân bằng cung cầu, đáp ứng việc tuân thủ theo chuỗi cung ứng mà thị trường quy định, tránh xảy ra tình trạng thừa nguồn cung như một số sản phẩm tại các địa phương khác.
Dù tỉnh đã có quy hoạch vùng chuyên canh rõ ràng song chủ các trang trại, nông dân vẫn là người quyết định chuyện canh tác của mình. Vấn đề quan trọng là người sản xuất phải tìm hiểu kỹ và có khả năng phân tích thị trường, sản xuất không chạy theo phong trào để có thể sản xuất hợp với thổ nhưỡng, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Vì vậy, chuyện “vỡ trận” hay giải cứu cây có múi trong tương lai phần lớn phụ thuộc vào quyết định của bà con.
TIỂU MY