Thực hiện tinh thần chỉ đạo của tỉnh về việc thích ứng linh hoạt, an toàn để phục hồi và phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) đã triển khai thực hiện kế hoạch phân khai nhiệm vụ năm 2022. Trong đó, ưu tiên thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường…
Hệ thống camera giám sát được kết nối trực tiếp từ nhà máy xử lý lên máy chủ tại Trung tâm Truyền tải dữ liệu quan trắc kỹ thuật thuộc Sở TN&MT
Quyết liệt ngay từ đầu năm
Từ đầu năm 2022 đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Ban Giám đốc Sở TN&MT, các phòng ban, đơn vị chuyên môn trực thuộc đã triển khai thực hiện khá nhanh chóng và nghiêm túc các nhóm nhiệm vụ. Thực hiện tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc ban hành các văn bản quy định trong lĩnh vực TN&MT phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Trung ương; đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính; đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn; triển khai học tập, cập nhật, phổ biến các văn bản luật và dưới luật trong lĩnh vực, đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và tuân thủ các quy định của Nhà nước về lĩnh vực TN&MT…
Ngoài ra, ngay từ những tháng đầu năm, ngành TN&MT cũng đã triển khai thực hiện khá bài bản các nhiệm vụ chuyên ngành. Trong đó, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, đo đạc - bản đồ và viễn thám, ngành đã giao các đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai. Kết quả, đến đầu tháng 3-2022, Sở TN&MT đã có 5 văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cung cấp tài liệu, số liệu theo Nghị định số 148/2020/ NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ cũng như đẩy nhanh công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập phương án phân bổ đất đai.
Ngày 5-1-2022 vừa qua, Sở TN&MT cũng đã tham mưu trình UBND tỉnh xem xét hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 9 huyện, thị, thành phố. Đối với danh mục công trình thực hiện thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện, Sở TN&MT đã tham mưu 7 tờ trình (TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên) trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện theo quy định. Hai địa phương còn lại là TX.Tân Uyên và huyện Phú Giáo đang được thẩm định lại trước khi trình UBND tỉnh.
Liên quan đến công tác thu hồi đất, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết trong tháng 2-2022, Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất đối với 7 trường hợp, tổng diện tích 251.402,7m2. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Văn bản số 6162/UBND-KT về tổ chức thực hiện thống kê đất đai năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh cả nước đang chung tay thực hiện các mục tiêu đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về việc nỗ lực đưa lượng phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050, ngành TN&MT Bình Dương cũng đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện theo giai đoạn và phân khai hàng năm. Cụ thể, ngay trong những tháng đầu năm 2022, ngành TN&MT tỉnh đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bằng hình thức trực tuyến cho 4 dự án; trình phê duyệt 5 báo cáo ĐTM; tham gia họp hội đồng thẩm định cấp bộ đối với 1 dự án; tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM và có ý kiến thẩm định báo cáo ĐTM bằng văn bản gửi Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đối với 1 dự án. Cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho 2 doanh nghiệp. Kiểm tra lấy mẫu đột xuất để làm cơ sở xem xét cho công tác vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải đối với 1 đơn vị. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hướng dẫn quản lý, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành cũng quán triệt các phòng ban, đơn vị trực thuộc thực hiện bài bản các nhóm nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, đối với công tác quản lý và vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động cần được thực hiện nghiêm túc để bảo đảm không có những sự cố đáng tiếc về môi trường xảy ra.
Để bảo đảm duy trì chất lượng nguồn nước mặt tại hệ thống các ao hồ, sông suối trên địa bàn, thời gian qua tỉnh đã đầu tư lắp đặt, vận hành các trạm quan trắc nước mặt, trạm thủy văn trên hệ thống các con sông lớn. Nhờ vào sự tuần tra, kiểm tra và giám sát thường xuyên của ngành chức năng nên tình trạng các doanh nghiệp và người dân xả thải lén ra các ao hồ, sông suối đã giảm đáng kể.
Ngoài nước thải, thời gian qua tỉnh cũng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng không khí trên địa bàn. Cụ thể, đến nay trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư lắp đặt và vận hành 24/7 đối với 33 trạm quan trắc khí thải tự động tại các khu vực có nguy cơ cao về ô nhiễm không khí. Thông qua các trạm quan trắc này, từ đầu năm đến nay ngành chức năng đã lấy mẫu và công bố chất lượng không khí định kỳ hàng tháng tới doanh nghiệp và người dân, đồng thời lấy mẫu giám định theo yêu cầu của các đơn vị quản lý cho 43 lượt doanh nghiệp; giám sát, phân tích và kiểm định, hiệu chuẩn các mẫu, thiết bị quan trắc tự động.
Theo thống kê của Sở TN&MT, hiện toàn tỉnh có 103/105 trạm quan trắc tự động được lắp đặt thiết bị đo chất lượng nước thải tự động. Thông qua hệ thống này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng nắm được các dữ liệu thực tế 24/7 về lưu lượng và chất lượng đầu vào và đầu ra các loại nước thải, từ đó có thể đưa ra những cảnh báo kịp thời. |
ĐÌNH THẮNG - KHÁNH VY