Sơn mài Tương Bình Hiệp: Dấu ấn và kỳ vọng phát triển mới

Cập nhật: 15-01-2021 | 22:38:23

“Ai về chợ Thủ. Bán hủ bán ve. Bán bộ đồ chè. Bán cối đâm tiêu...”. Men theo câu thơ mộc mạc ấy, chúng tôi tìm về vùng quê đất Thủ - nơi có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời. Theo thời gian, các ngành nghề thủ công truyền thống trên vùng đất này cũng trải qua bao thăng trầm, phát triển khác nhau, trong đó có làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp...

Với những hoạt động bảo tồn, phát triển mà các cấp ngành đang thực hiện, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ sớm bước sang trang mới

Dấu ấn làng nghề hàng trăm năm

Nhắc đến các nghề thủ công truyền thống trên đất Bình Dương không thể thiếu làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có ghi nghề làm tranh sơn mài do cư dân miền Bắc và miền Trung mang đến vùng đất này vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Những ngày đầu đến vùng đất mới khai hoang, tạo lập cuộc sống mới, những người dân xa xứ vẫn đau đáu trong lòng hình bóng quê hương. Vì thế, họ đã tái hiện lại những hình ảnh quê hương qua những bức tranh để nguôi đi phần nào nỗi nhớ ấy. Kết hợp với những giá trị văn hóa địa phương khi đến đây sinh sống, những người thợ vẽ tranh sơn mài đã tạo ra những sản phẩm mang phong cách đặc trưng riêng, đó chính là sơn mài Tương Bình Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, cho biết theo dòng lịch sử, nghề sơn mài ở Bình Dương xuất hiện khá sớm vào cuối thế kỷ XVII. Lúc đầu, những sản phẩm sơn mài chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt gia đình, cộng đồng gần, lâu dần mới trở thành nghề vì đã có sản phẩm đem buôn bán, trao đổi với các cư dân địa phương khác trên cả nước, nhất là Nam kỳ lục tỉnh. Vào những năm 1960, nghề sơn mài bắt đầu phát triển “Người người làm sơn mài, nhà nhà làm sơn mài”. Lúc đó, trên vùng đất Thủ Dầu Một có cả phố nghề về sơn mài như Phú Cường, Chánh Nghĩa, Chánh Hiệp; đặc biệt, làng sơn mài Mỹ Hảo, Tân An, Tương Bình Hiệp... hoạt động khá nhộn nhịp, được khách hàng các nơi trong và ngoài tỉnh biết đến.

Làng Tương Bình Hiệp từ lâu đã được xem là cái nôi của nghề sơn mài cổ truyền tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, từ năm 1990 về sau, nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường truyền thống Đông Âu không còn, lại phải cạnh tranh với những sản phẩm cùng chủng loại nhưng khác chất lượng. Dần dần, nguyên liệu sơn ta (đặc trưng làm nên giá trị của sơn mài Tương Bình Hiệp) khan hiếm, giá cao, cộng với nguyên liệu mới nhập khẩu vào Việt Nam chưa qua thẩm định nhưng được các cơ sở sơn mài đưa vào sản xuất và đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng kém khiến uy tín giảm dần, khách hàng truyền thống quay lưng. Bên cạnh đó, nguồn lao động có tay nghề cao thì ngày càng già yếu, mất sức lao động; lao động trẻ thì thiếu, không thích ứng và đòi hỏi lương cao nên không muốn gắn bó... Đó là những nguyên nhân làm cho làng nghề sơn mài không còn phát triển hưng thịnh như trước nữa.

Dù gặp khó khăn và không còn phát triển hưng thịnh như những năm 1980-1990 nhưng một số người tâm huyết, gắn bó với sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn trụ lại với nghề để chờ đến một ngày “làng nghề sẽ vực dậy như xưa”.

Kỳ vọng phát triển mới

Để bảo tồn và phát huy nghề sơn mài, nhất là bảo vệ nghệ nhân và làng nghề, cuối năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận làng Tương Bình Hiệp là làng nghề truyền thống. Theo những nghệ nhân, những người gắn bó với sơn mài Tương Bình Hiệp, đây là cơ hội thuận lợi cho nghề sơn mài được hưởng các chính sách ưu đãi, mở hướng đi mới về đầu tư mở rộng thị trường, tạo việc làm, thu hút lao động và phát triển kinh tế kết hợp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui với làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục được nhân lên khi “Nhãn hiệu tập thể sơn mài Bình Dương” đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận vào ngày 8-7-2011. Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố nghề sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc danh mục “Văn hóa phi vật thể quốc gia”. “Đây là mốc đánh dấu quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghề sơn mài ở Bình Dương; góp phần khẳng định cốt lõi giá trị văn hóa của nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp”, ông Quý chia sẻ.

Những ngày đầu xuân này, chúng tôi có dịp về thăm làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, không khí nơi đây khá rộn ràng. Các cơ sở sản xuất đang khẩn trương, tập trung cao để sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm trang trí tết của người dân và theo đơn đặt hàng của đối tác. Những người làm nghề sơn mài ở làng nghề Tương Bình Hiệp mà chúng tôi hỏi thăm đều cho biết họ hết sức phấn khởi vì mới đây TP.Thủ Dầu Một đã công bố đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một”. Đề án ra đời và đang được TP.Thủ Dầu Một tập trung thực hiện hứa hẹn sau khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều kỳ vọng phát triển mới cho làng nghề truyền thống địa phương.

Ông Trương Hoàn Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn mài Định Hòa, cho biết chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán, từ những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021 công ty ông đã nhận khá nhiều đơn hàng đặt sản phẩm sơn mài như: Hộp mứt, hộp đựng quà, bình, lọ... Ông cũng hy vọng, với những chủ trương mới, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp nói chung, công ty ông nói riêng sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển mới, góp phần chung tay cùng tỉnh nhà giữ gìn, phát triển làng nghề truyền thống đặc sắc này.

Mùa xuân mới đang tràn về trên mọi nẻo đường, góc phố. Góp phần tô điểm cho mùa xuân này trên quê hương Bình Dương thêm sắc thắm có những sản phẩm đặc sắc của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hôm nay.

 Những nét đẹp truyền thống qua bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp đã tạo ra những sản phẩm hết sức độc đáo. Ngoài những bức tranh mang tính nghệ thuật đặc sắc, những cơ sở sản xuất của làng nghề còn tạo ra nhiều sản phẩm trang trí khác, như: Bình, lọ, hộp quà, dĩa... không chỉ được người dân địa phương, trong nước ưa chuộng, mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới.

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1983
Quay lên trên