Sức sống của Đờn ca tài tử Nam bộ trên đất Bình Dương

Cập nhật: 22-03-2016 | 09:46:46

Năm 2013, loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật của nhân loại. Kể từ thời khắc đó, ĐCTT Nam bộ không chỉ là di sản văn hóa của Việt Nam, mà còn là của toàn thế giới, được thế giới bảo hộ và gìn giữ…


Tiết mục “Sui gia kể chuyện nông thôn mới” của Trung tâm VHTT-TT TX.Dĩ An. Ảnh: M.HIẾU

Trên đất Bình Dương, ĐCTT đang tiếp tục được các thế hệ kế thừa thực hành, phát triển, góp phần chung vào mục đích bảo vệ, trao truyền loại hình nghệ thuật độc đáo này của dân tộc. Đặc biệt, ĐCTT đang được sinh hoạt ngày càng rộng rãi tại các CLB văn nghệ của những người lao động xa quê. Giờ đây, những cung điệu mượt mà nói hộ lòng lữ khách cũng được thay thế bằng những khúc ca đầy ngọt ngào, cho đất trời thêm nở hoa.

Đến nay, Bình Dương có hơn 70 CLB, đội, nhóm ĐCTT. Đa số các CLB ĐCTT trong tỉnh đều hoạt động một cách thuần túy, nhưng rất sôi nổi, mạnh mẽ và có chất lượng. Số lượng hội viên là công nhân, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp cũng ngày càng nhiều. Nhiều người trong số họ còn trở thành những hạt nhân tích cực của phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương, góp phần khẳng định vị trí của Bình Dương trong các sân chơi ĐCTT trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Không chỉ kết nối các thế hệ nghệ nhân bằng nhiều cuộc thi ĐCTT, mang di sản văn hóa độc đáo này đến với học sinh, công nhân ở khu vực trung tâm lẫn huyện xa, ngành văn hóa tỉnh nhà còn xây dựng nhiều chương trình biểu diễn ĐCTT đan xen các hoạt động văn hóa tại nhiều địa phương, tuyên truyền kiến thức về ĐCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Với sự quan tâm, định hướng của lãnh đạo tỉnh, Bình Dương luôn cố gắng phát huy tính năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm đối với di sản văn hóa mà tiền nhân để lại. Cụ thể là tỉnh đang khẩn trương triển khai và thực hiện các đề án bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật ĐCTT, các kế hoạch chuẩn bị cho Festival ĐCTT quốc gia lần 2 sẽ được tổ chức tại Bình Dương vào năm 2017 tới với chủ đề của festival là “ĐCTT Nam bộ - Bảo tồn và phát triển”.

Bằng cả niềm tin, hy vọng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của di sản nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, Festival năm 2017 với nhiều hoạt động chính: Chương trình nghệ thuật đặc biệt đêm khai mạc, không gian ĐCTT Nam bộ theo hình trái măng cụt cách điệu (50m2), không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ năm 2017, hội thảo khoa học về nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, liên hoan nghệ thuật ĐCTT, cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật về festival, đêm hội tôn vinh các soạn giả, nghệ nhân, nghệ sĩ, bế mạc festival. Các hoạt động sẽ diễn ra trong phạm vi toàn tỉnh, trong đó chọn Thành phố mới Bình Dương là địa điểm trung tâm để tổ chức các hoạt động chính.

Nghệ nhân ưu tú Thu Hồng phấn khởi cho biết: “Thông qua những chương trình như thế, Bình Dương sẽ tạo được nhiều ấn tượng đẹp trong việc quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, đặc biệt là về phong trào ĐCTT ở các địa phương với các tỉnh, thành bạn. Qua đó, chúng tôi có thể truyền lửa đến mọi người, cùng quyết tâm đưa nghệ thuật ĐCTT phát triển lên tầm cao mới. Chặng đường phía trước còn dài, nhưng tôi nghĩ rằng nếu cố gắng hết sức, chúng ta sẽ làm tốt”.

 THỤC VĂN - SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên