Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), xin kể mẩu chuyện về tấm lòng người cha mà tôi đã gặp. Do người cha thường không thể hiện tình thương ngọt ngào của mình với con như “chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”… giống mẹ nên không ít người con đi suốt cả cuộc đời cũng không thấu hiểu được lòng cha.
Ông lão gần nhà có đứa con gái lấy chồng xa. Hay tin ông bệnh, cô tất tả về thăm. Trong lòng ông vui lắm, nhưng khi nghe bà hàng xóm hỏi: “Con Thắm mới về thăm ông đó hả? Nó có mua gì cho ông không?”. Ông trả lời giọng trách hờn: “Nó mua miếng thịt to lắm, chọi dính vách luôn bà ạ!”. Cô con gái nghe được ra sau hè chùi nước mắt, cô không tủi thân vì lấy phải chồng nghèo, cô buồn vì từ nhỏ tới giờ cha cô chỉ nói lời ngon ngọt với thằng em trai.
Ngày hôm sau, khi cô xin phép trở về nhà chồng. Ông nắm tay con, rưng rưng nước mắt: “Dạo này, ba thấy bây ốm lắm nhe con, ráng ăn uống giữ gìn sức khỏe”, rồi ông dúi vào tay con tất cả số tiền ông dành dụm được.
Nói vậy chứ hổng phải vậy, với con gái nói ra câu gì cũng có “móc câu”, nghe tưởng là ghét nhưng thật ra là thương, là muốn con mình vén khéo, biết giữ ý giữ tứ khi về làm dâu người ta.
Người cha thứ 2 là một nhà trí thức. Sau hơn 20 năm xa cách, ông quyết định bán nhà nơi đất khách, gom hết tiền bạc của cải trở về cố hương cất nhà cưới vợ cho con. Chỉ một thời gian ngắn, cơm không lành, canh không ngọt, đứa con nhẫn tâm nhìn ông lặng lẽ khăn gói ra đi, ăn ngủ đầu đường, xó chợ.
Bạn bè thân hữu cám cảnh đưa ông về nhà ở tạm, tìm cách xin cho ông một suất vào trung tâm nuôi dưỡng người già. Thế nhưng suốt buổi trò chuyện, ông nhất quyết tịnh khẩu không nói một lời nào. Giận thằng con trời đánh, bạn ông tìm được số điện thoại và mắng cho hắn một trận.
Bấy giờ ông mới lên tiếng, chỉ một câu thôi: “Làm ơn đừng mắng con tôi!”.
MINH HOÀNG