Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn

Cập nhật: 23-11-2023 | 08:56:03

Sản xuất nông nghiệp sử dụng máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, đầu tư các khu, cụm công nghiệp khu vực nông thôn ngày càng nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí. Để kiểm soát, ngăn ngừa chiều hướng xấu của môi trường, các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

 Sản xuất mít ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP của trang trại Vũ Tăng Bình Dương (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên)

 Thay đổi thói quen

Là xã thuần nông, phần lớn người dân xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên) đã có những biện pháp phù hợp để bảo đảm hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Thái Mỹ, Chủ tịch UBND xã Lạc An, cho biết: “Hiện nay rơm rạ sẽ được người dân hoặc đơn vị thu mua cung cấp cho các cơ sở trồng cây lâu năm hoặc trồng nấm. Đối với các vỏ bao bì thực vật, xã bố trí 12 hố rác để chứa, sau đó định kỳ đơn vị thu gom mang đi xử lý”.

Cũng theo ông Mỹ, hiện nay trên địa bàn xã vẫn tồn tại một số ít người dân vẫn đốt rác, xã đã tổ chức các buổi đối thoại với người dân. Thông qua đó triển khai đến các chi hội đoàn thể vận động, tuyên truyền người dân đăng ký thu gom rác. Người dân hiểu được việc đốt rác sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường không khí và sức khỏe, thực hiện thu gom theo quy định.

Cũng là xã thuần nông, Hiếu Liêm có vùng chuyên canh cây ăn trái có múi lớn nhất huyện Bắc Tân Uyên và của cả tỉnh. Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, xã phối hợp với ban ngành triển khai các giải pháp cụ thể.

Theo ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, hiện xã có 2 nhà chứa và 26 điểm cống thu gom vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại 3/3 ấp nhằm phục vụ cho các hộ dân và các trang trại trồng trọt nhỏ lẻ. UBND đã hợp đồng với các hộ dân hàng tháng thu gom vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật tại các điểm tập kết về nhà chứa lớn. Cuối mỗi quý, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thu gom và chở về lò đốt của Tập đoàn Lộc Trời để đốt bằng lò chuyên dụng chất thải nguy hại. Chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Sản xuất thân thiện với môi trường

Sản xuất nông nghiệp dưới các hình thức như trang trại sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị, du lịch... là một trong những giải pháp để bảo vệ môi trường nói chung. Các trang trại chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP đối với các loại cây trồng như cam, mít, rau các loại. Quy trình sản xuất này nhằm bảo đảm an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và không tổn hại đến môi trường.

Điển hình các đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ như Công ty Vinamit (TX.Bến Cát), Hợp tác xã Năm Hạng và Nhân Đức (huyện Bắc Tân Uyên)… Ngoài ra, có thể kể đến một số mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao năm 2023 như sản xuất rau sạch, an toàn của tổ hợp tác rau nhà lưới (xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng); trang trại mít ruột đỏ Vũ Tăng Bình Dương (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên)... Việc tái chế, tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng được các cơ sở tận dụng để phát triển thành các sản phẩm thân thiện với môi trường như chất đốt, tinh dầu, xà phòng...

Đối với các khu, cụm công nghiệp hoạt động tại khu vực nông thôn đều phải bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải, khí thải... Các công ty hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp đều phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đối với ngành chăn nuôi, tỉnh đã và đang chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ cao. Hiện các trang trại chăn nuôi chủ yếu tập trung ở 4 huyện phía Bắc (Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên).

Theo ông Mai Đức Quý, các chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Hiếu Liêm đều bảo đảm cách biệt với nhà ở, nguồn nước, khu dân cư, cách nguồn nước mặt tối thiểu 100m, cách nhà máy nước phục vụ sinh hoạt trên 1km. Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý qua hệ thống xử lý nước thải (qua hệ thống Biogas hoặc VAC) đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo đúng quy định của pháp luật, không để chảy tràn ra xung quanh và không phát sinh mùi khó chịu.

 Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh chú trọng triển khai, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; bảo vệ, bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên; đẩy mạnh sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, thu hồi khí mêtan. Đồng thời, hướng dẫn áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn và hoạt động quản lý chất thải theo quy định của pháp luật.

 TIẾN HẠNH - QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên