Tạo “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Cập nhật: 28-10-2021 | 08:23:45

Trong làn sóng đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay đã xuất hiện nhiều trường hợp dù được tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh Covid-19. Chính vì vậy, người dân không nên chủ quan, lơ là phòng, chống dịch bệnh (PCDB) mà thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế để tạo “lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Không chủ quan dù đã tiêm vắc xin

Hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, bất cứ ai cũng có thể trở thành F0. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nếu lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống thì dịch bệnh có thể sẽ xuất hiện trở lại, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân và tổn hại đến nền kinh tế. Vì vậy mọi người cần luôn xác định tâm thế mình có thể là F0, F1 và luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm các khuyến cáo để tạo “lá chắn thép” bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền người dân cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử và quét mã QR tại các điểm đến ở TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: HOÀNG LINH

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để kiên trì PCDB Covid-19 thật tốt và thích ứng an toàn khi trở về “bình thường mới”, người dân phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế). Người dân chủ động thực hiện test nhanh kháng nguyên Covid-19 tại nhà hoặc tham gia test Covid-19 cộng đồng khi được địa phương thông báo; đồng thời tham gia tiêm vắc xin khi đến lượt. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương đặc biệt nhấn mạnh ý thức của người dân là không được lơ là, chủ quan, xem nhẹ các biện pháp PCDB và tránh tâm lý “xả hơi” sau thời gian giãn cách. “Người dân phải quét mã QR tại các địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, phương tiện công cộng, nhà máy). Đặc biệt, việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau cũng như công tác điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 cần thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế”, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.

Lý giải về những người tiêm đủ 2 liều vắc xin nhưng vẫn có khả năng mắc bệnh Covid-19 và lây nhiễm cho người khác, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu hồi sức Bình Dương cho biết, người đã tiêm 2 mũi vắc xin là giúp cho bản thân tăng miễn dịch với Covid-19. Nếu người đó có mắc Covid-19 thì có triệu chứng nhẹ và giảm nguy cơ tăng nặng so với những người chưa được tiêm. Những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác nhưng nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác giảm đi. Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không đồng nghĩa với việc không thực hiện các khuyến cáo về PCDB cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Thực tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới đang tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn dài. Để tiếp tục giữ vững những thành quả đã đạt được, mỗi chúng ta không chỉ thực hiện tốt thông điệp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế mà mỗi người hãy là một tuyên truyền viên tích cực, nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cũng như PCDB, sẵn sàng nhắc nhở ngay khi có người xung quanh chưa thực hiện nghiêm các biện pháp PCDB”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công nghệ số đã khẳng định vai trò là một “lá chắn thép” cần thiết, góp phần đạt hiệu quả trong phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh. Thời gian qua, nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ PCDB Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai. Theo chỉ đạo chung, 3 nền tảng công nghệ được triển khai thống nhất trên toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. 3 nền tảng này đã được tỉnh triển khai và thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong PCDB Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, các nền tảng hoạt động còn chưa ổn định, quá trình hoạt động còn xảy ra lỗi, gây khó khăn trong quá trình sử dụng.

Khai báo y tế, quét mã QR trước khi vào trụ sở UBND TP.Thuận An

Tại cuộc họp giao ban PCDB vừa qua, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, các địa phương và các cơ quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức hơn trong việc cài đặt các ứng dụng số trong công tác PCDB Covid-19. Song song đó, các cơ quan, đơn vị triển khai rộng rãi trong toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, đoàn viên, hội viên… cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tỷ lệ cài đặt các ứng dụng và để công tác quản lý được tốt hơn.

Trước đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác ứng dụng công nghệ cho phục vụ PCDB Covid-19. Các cơ quan đơn vị Nhà nước, trường học, các cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, học sinh… phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ và các cơ quan phải có mã QR. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có những hướng dẫn, hỗ trợ để tăng cường sử dụng các nền tảng công nghệ, các ứng dụng nhằm phục vụ hiệu quả công tác PCDB Covid-19. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết trong công tác PCDB Covid-19, do đó đòi hỏi sự quyết liệt trong triển khai ở các sở ngành, địa phương, đơn vị nhằm phát huy hiệu quả các tính năng của công nghệ thông tin, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác nhưng nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác giảm đi. Theo các báo cáo khoa học, tỷ lệ tử vong ở những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19 thấp hơn so với nhóm chưa tiêm hoặc mới được tiêm một mũi. Việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không đồng nghĩa với việc không thực hiện các khuyến cáo về PCDB cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

HOÀNG LINH

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên