Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Gruenau (Đức).
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 12/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 499.635.270 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.205.439 ca tử vong. Số ca hồi phục là 449.412.306 ca.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới với 82.093.030 ca mắc và 1.012.348 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 521.723 ca tử vong trong số 43.036.573 ca mắc. Đứng thứ ba là Brazil khi nước này ghi nhận 30.161.205 ca mắc và 661.389 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 518.191 ca mắc và 1.924 ca tử vong. Đức, Hàn Quốc, Italy là những nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, lần lượt là 92.639 ca, 90.928 ca, 28.368 ca. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng đầu về số ca tử vong trong 24 giờ qua với 258 ca.
Trung Quốc: Quảng Châu gấp rút chống dịch
Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Quảng Châu đang gấp rút triển khai sớm hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh. Người dân từ bên ngoài hiện không thể vào trong thành phố, trong khi chỉ những cư dân Quảng Châu có lý do đặc biệt mới được phép rời khỏi đây, với điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Các trường tiểu học và trung học của thành phố đã tạm đóng cửa và áp dụng dạy học trực tuyến cho đến ngày 17/4.
Tính từ 14h ngày 10/4 đến 18h ngày 11/4, thành phố đã ghi nhận 27 ca mắc COVID-19 được xác nhận lây nhiễm trong cộng đồng và 11 ca nhiễm không triệu chứng.
Toàn bộ 11 quận của Quảng Châu - một thành phố lớn với dân số khoảng 19 triệu người, đã bắt đầu đợt xét nghiệm trên diện rộng từ tuần trước. Tính từ ngày 8-11/4, Quảng Châu ghi nhận tổng số 61 ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát mới nhất.
Những ca nhiễm này chủ yếu ở quận Bạch Vân và hầu hết các ca nhiễm được phát hiện thông qua việc xét nghiệm các nhóm chủ chốt và những người trong khu vực được kiểm soát.
Hàn Quốc xem xét dỡ bỏ hoàn toàn giãn cách
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu thảo luận về biện pháp tổng thể dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, bao gồm cả việc bỏ đeo khẩu trang cũng như phương án bố trí hệ thống y tế trong tương lai.
Dự kiến, nội dung dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế sẽ được đưa ra trong cuộc họp Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật ngày 13/4. Cơ quan y tế dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần này một "kế hoạch hậu đại dịch" nhằm đưa cuộc sống của người dân và hệ thống y tế bình thường trở lại.
Hàn Quốc dự kiến hạ cấp phân loại COVID-19 xuống cấp độ 2, theo đó việc quản lý dịch bệnh sẽ tiến hành như với các bệnh dịch đặc hữu khác.
Bắt đầu từ tuần này, các trung tâm y tế cộng đồng và các trạm xét nghiệm tạm thời ở Hàn Quốc sẽ không cung cấp các xét nghiệm nhanh miễn phí cho người dân và chỉ thực hiện xét nghiệm PCR cho các nhóm dễ bị tổn thương, người cao tuổi. Các cá nhân nghi ngờ nhiễm COVID-19 cần đến phòng khám hoặc bệnh viện tư nhân để làm xét nghiệm và sẽ bị tính phí khoảng 5.000 won (4,07 USD).
Tại Malta, một quốc gia ở châu Âu, việc tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 2 đã được triển khai cho khoảng 4.000 người cao tuổi ở các trung tâm dưỡng lão.
Giới chức y tế Malta cũng mời khoảng 17.000 người từ 80 tuổi trở lên sinh sống trong cộng đồng và khoảng 6.000 người bị suy giảm miễn dịch đi tiêm mũi vaccine tăng cường. Ngoài ra, thêm 2.000 người cao tuổi sống trong cộng đồng trong diện ốm liệt giường sẽ được các nhân viên y tế tới nhà tiêm mũi vaccine tăng cường.
Theo số liệu của Bộ Y tế Malta, nước này ngày 11/4 ghi nhận 433 ca mắc và 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 86.595 ca và 664 ca tử vong./.
Theo TTXVN